Đó là "hiến kế" của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực y tế đưa ra tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 15/9 bàn về chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Virus biến chủng liên tục, dịch bệnh kéo dài
Để chung sống an toàn với virus SARS-CoV2, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng phải tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cơ bản 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Tăng cường năng lực đáp ứng y tế theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm năng lực xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm gắn với điều tra dịch tễ; các khu cách ly, thu dung phân loại ban đầu; năng lực điều trị tại bệnh viện, tại nhà, từ sớm…
Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất cần có các cơ chế huy động nguồn lực y tế tư nhân tham gia vào điều trị bệnh nhân COVID-19, cũng như công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, nhất là hỗ trợ cho các DN sản xuất an toàn.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài với khả năng đột biến liên tục của virus SARS-CoV-2, lây nhiễm mạnh. Thời gian qua, số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng rất nhanh trong cùng một thời điểm đã gây quá tải cho hệ thống y tế, bộc lộ yếu kém về khả năng hồi sức cấp cứu, thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu máy thở, ô xy…
Phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y nhìn nhận: “Biến chủng Delta lây lan rất nhanh. TPHCM lây khủng khiếp thì nó chính là chủng Delta. Còn tại Hà Nội chủng nào thì chưa đánh giá. Chúng tôi đã phân tích 28/55 ca là chủng Delta, còn 17 ca là chủng Vũ Hán nên dịch tại Hà Nội chưa lây lan nhanh. Tuy nhiên tại khu vực Thanh Xuân Trung chắc chắn chủng Delta vì nó lây rất nhanh”. Theo GS Quyết, Hà Nội cần phân tích chủng và đột biến virus để có chiến lược phòng chống sát thực tế.
Ông Kính ví chiến lược tiêm vắc - xin phòng COVID-19 như “chống cháy rừng”, không chỉ tiêm cho vùng có dịch mà cần tiêm cho các vùng xanh an toàn để hạn chế ca mắc, ca nặng và tử vong. Về xét nghiệm, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đề xuất xét nghiệm nhanh và người dân tự có thể làm được, chỉ đến cơ sở y tế khi cần khẳng định. Theo ông, với chủng mới, nồng độ virus lớn, người dân hoàn toàn có thể tự thực hiện được tại nhà. Tại miền Bắc, cần xét nghiệm có trọng tâm, xét nghiệm mẫu gộp.
Liên quan đến công tác điều trị, chuyên gia Nguyễn Văn Kính cho rằng, phương châm phát hiện, cách ly và điều trị vẫn cần duy trì thực hiện. Cùng với đó, phải kết hợp đông tây y như dùng thuốc Molnupiravir trong điều trị để vừa an dân, vừa chữa bệnh.
Những địa phương bị dịch nhiễm sâu và nặng như TPHCM, một phần của Bình Dương, Đồng Nai, Long An phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt như những nơi bị lây nhiễm nặng nhất trên thế giới. Đó là tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19; sau đó dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới sau khi tiêm vắc-xin đạt được miễn dịch cộng đồng; kiểm soát chặt người ra, vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.
Tăng cường năng lực y tế tuyến dưới
Về bảo đảm nhân lực tại chỗ trong phòng, chống dịch, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cơ chế chỉ huy ở cấp xã/phường, quận/huyện đang gặp không ít khó khăn, thiếu linh hoạt, sáng tạo do năng lực tham mưu hạn chế của ngành y tế cơ sở. Các hướng dẫn của ngành y tế còn quá chi tiết, cụ thể mà thiếu những quy định mang tính nguyên tắc để chính quyền cơ sở vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương.
GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Y Hà Nội kiến nghị: “Thay vì chỉ đưa sinh viên y khoa vào hỗ trợ chống dịch thì cần phát huy năng lực của các trường y để đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về phòng, chống dịch cho đội ngũ y, bác sĩ, người dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý cấp quận/huyện, phường/xã”.
Trong điều trị, GS.TS Đỗ Tất Cường nhấn mạnh phải tăng cường năng lực hệ thống y tế dự phòng kết hợp mạng lưới điều trị ngay những tầng dưới, phát huy tối đa năng lực y tế cơ sở, giảm thiểu tỷ lệ diễn biến nặng phải chuyển lên các tầng cao hơn. “Phải tập trung điều trị tầng 1, 2, 3, hạn chế nhảy tầng cao hơn. Điều trị ngay từ cấp cơ sở càng nhiều, càng nhanh bao nhiêu, càng hạn chế tốn kém, tử vong bấy nhiêu. Do đó cần phát huy mạng lưới y tế địa phương”, GS Cường nhấn mạnh.