Chiến dịch Điện Biên Phủ và nghệ thuật sử dụng pháo binh

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.
Chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (7-5-1954) có đóng góp quan trọng của lực lượng pháo binh. Ở chiến dịch này, pháo xe kéo bố trí xung quanh lòng chảo Điện Biên của ta đã chi viện hỏa lực kịp thời, chính xác, chế áp địch, tạo cơ hội để bộ binh ta đánh các trận then chốt, quyết định, bóc dần Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại.

Pháo binh bí mật tạo thế

Mặc dù quân đội Pháp biết rằng chúng ta đã có một lực lượng pháo binh, nhưng không ngờ chúng ta đưa một lực lượng pháo binh hùng mạnh, trong đó có cả lựu pháo 105 ly lên lòng chảo Điện Biên. Bởi trước đây địch mới chỉ thấy có sơn pháo, nghĩa là pháo mang vác và các loại súng cối của ta.

Do vậy, sự có mặt của lựu pháo 105 ly tham gia chiến đấu hiệu quả ở chiến dịch Điện Biên Phủ là một kỳ tích, khiến kẻ thù khiếp sợ. Việc tạo thế vững chắc cho pháo binh, gây bất ngờ cho đối phương tại chiến dịch này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cực kỳ công phu.

Được lệnh lên Điện Biên Phủ, ngày 22-12-1953, từ Tuyên Quang, Trung đoàn 45 đã tháo rời pháo xe kéo cho lên 100 bè bằng cây bương có tải trọng 4 tấn và hành quân bằng đường thủy. Sau khi vượt 100km đường sông, vượt qua 25 thác, ngày 7-1-1954 thì tới vị trí tập kết ở Tuần Giáo an toàn.

Để giữ bí mật tuyệt đối, Bộ Tổng Tư lệnh triển khai kéo pháo chiếm lĩnh trận địa bằng sức người. Đại đoàn 308, Trung đoàn sơn pháo 675, Trung đoàn công binh 151 làm nhiệm vụ mở đường để kéo pháo từ Nà Nham, đoạn Km70 vào đến Km42. Đường luồn lách trong rừng rậm, qua đỉnh Pha Sông cao 1.450m. Khi kéo pháo vào đến Bản Tấu thì có lệnh kéo pháo ra ngay.

Bộ Tổng Tư lệnh đã thành lập cả một Bộ chỉ huy kéo pháo và chỉ định các đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312; đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy và đồng chí Đào Văn Trường, Đại đoàn phó đại đoàn Công pháo 351 là những người chỉ huy chiến dịch kéo pháo ra.

Đúng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 1954, tức ngày 5-2-1954, toàn bộ 24 khẩu pháo được kéo bằng tay trở lại vị trí ban đầu. Đến mồng 5 Giáp Ngọ năm 1954, bộ đội pháo binh mới được ăn Tết mừng "kéo pháo vào, kéo pháo ra thắng lợi".

Bố trí trận địa pháo binh hiểm hóc

Nếu so sánh thì thực lực pháo binh quân Pháp lúc đó tại Điện Biên Phủ hơn hẳn pháo binh của ta về tính chính quy và trình độ tác chiến. Tuy nhiên, pháo binh quân đội Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ đã thất bại thảm hại, không chi viện được cho bộ binh và trở thành “thứ đồ chơi” trong tay tướng De Castries. Pháo binh quân đội Pháp thua vì bị bất ngờ bởi cách tạo thế vô cùng bí ẩn, vững chắc của lực lượng pháo binh Việt Nam non trẻ.

Trong chiến dịch ta đã sử dụng 100% lực lượng pháo cơ giới, 80% lực lượng súng cối cỡ lớn, 75% lực lượng sơn pháo (so với tổng số pháo binh hiện có).

Do huy động tối đa pháo binh nên ta giành được lợi thế so với địch: Ưu thế lực lượng pháo binh chiến dịch là ta 2,1, địch 1; ưu thế lực lượng trên hướng chủ yếu chiến dịch là ta 2,3, địch 1; ưu thế lực lượng trong chiến đấu là ta 3, địch 1 (tỷ lệ trên tính theo số lượng, chưa tính hệ số chất lượng).

Tại chiến dịch, lần đầu tiên pháo cơ giới tham gia chiếm tỷ lệ 14%. Để bảo đảm phát huy tốt đa sức mạnh hỏa lực pháo cơ giới, ta đã xây dựng 23 đài quan sát mặt đất của pháo binh trên các điểm cao, tạo thành các dải trinh sát chồng lên nhau và bao trùm toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch.

Để đề phòng pháo địch phản kích và máy bay oanh tạc, Bộ tư lệnh chỉ đạo đào hầm trú ẩn cho pháo và 10 pháo thủ. Vách hầm lát gỗ dày 30cm. Nóc hầm rải một lượt nứa, một lượt đất dày 3m để chống bom. Hệ thống điện thoại trận địa pháo dài hơn 380km. Các phương tiện, khí tài trinh sát, đo đạc được chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát mọi hoạt động, diễn biến của ta và của địch, giúp cho người chỉ huy pháo binh chỉ huy bắn và xử trí tốt các tình huống chiến đấu, pháo bắn chính xác, kịp thời và liên tục.

Lực lượng pháo khiêng vác chiếm tỷ lệ 86% trong tổng số pháo tham gia chiến dịch và có lực lượng mới lần đầu tiên ra trận như tiểu đoàn ĐKZ 75 ly, tiểu đoàn súng cối 82 ly. Lực lượng pháo khiêng vác được phối thuộc cho các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh, là lực lượng pháo đi cùng trong suốt quá trình chiến dịch, có nhiệm vụ chi viện trực tiếp cho bộ binh trong các tình huống: Đột phá, bao vây, đánh lấn, đánh địch phản kích.

Sơn pháo và ĐKZ 75 ly chiếm 13% trong tổng số lực lượng pháo khiêng vác toàn chiến dịch, được sử dụng để tiêu diệt và phá hoại các lô cốt, hỏa điểm khi chi viện cho bộ binh đột phá, tiêu diệt xe tăng địch khi chúng ra phản kích, phá hủy các máy bay địch đậu trên sân bay, bắn tỉa quân địch ở các mục tiêu quan trọng.

Súng cối 120, 82, 81 ly chiếm tỷ lệ 87% tổng số lực lượng pháo khiêng vác tham gia chiến dịch và được phối thuộc cho các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh tiến công trên hướng chủ yếu. Súng cối 120 ly tổ chức thành đại đội 4 khẩu; súng cối 82 ly tổ chức thành tiểu đoàn 36 khẩu. Các loại súng cối này được sử dụng tập trung để chi viện cho bộ binh.

Hệ thống trận địa pháo được triển khai bố trí từ Đông Bắc Hồng Cúm đến Tây Bắc cứ điểm Độc Lập, hình thành thế trận vòng tròn gần khép kín tập đoàn cứ điểm của địch. Các trân địa pháo cách nhau hơn 5km, kéo dài đội hình trên 30km. Đặc biệt, pháo cơ giới bảo đảm có thể tập trung hỏa lực tới 80% cho một mục tiêu.

Các loại pháo bắn ngắm trực tiếp bố trí trên các núi cao, bảo đảm cự ly và xạ giới bắn có lợi nhất. Lựu pháo 105 ly bố trí có cự ly bắn trung bình từ 3 đến 8km, sơn pháo và súng cối có cự ly bắn trung bình từ 300 đến 500m. Nói chung các loại pháo, súng cối bố trí bảo đảm cự ly bắn có hiệu quả nhất.

Chi viện hỏa lực kịp thời, hiệu quả

Yếu tố quyết định đến hiệu suất chiến đấu của pháo binh là hỏa lực. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hỏa lực pháo binh là “quả đấm thép”, có tác dụng tiêu diệt trận địa đối phương, ghìm đầu bộ binh địch, che chở cho bộ binh đột phá, đánh chiếm các mục tiêu và tiêu diệt các cơ sở hậu cần, kỹ thuật, bẻ gẫy các đợt phán kích của địch. Việc bố trí các loại pháo ở các tầm bắn hiệu quả khác nhau đã tập trung được hỏa lực, nâng cao hiệu quả chiến đấu.

Trong phân chia lực lượng pháo binh chiến dịch, ta đã tập trung 89% lực lượng cho thê đội một chiến dịch, giúp cho việc bảo đảm hỏa lực chi viện đột phá nhanh chóng đã đánh chắc thắng các trận then chốt mở đầu chiến dịch như trận tiến công cứ điểm Him Lam và Độc Lập.

Sức mạnh hỏa lực của loại pháo lựu đã sát thương sinh lực địch, phá hủy công sự địch, làm suy sụp tinh thần quân địch, buộc địch phải nhanh chóng đầu hàng quân ta. Nhiều tên hàng binh địch đã nói: "Chưa bao giờ chúng tôi nghe thấy tiếng rít ghê sợ, những vệt lửa đỏ lừ, những ánh chớp và tiếng nổ kinh khủng như ở Điện Biên Phủ". Pháo cơ giới thực sự đã góp phần làm mất chỗ dựa chủ yếu của địch trong phòng ngự, hạn chế ưu điểm hệ thống hỏa lực pháo binh, khoét sâu mặt yếu của chúng ở Điện Biên Phủ.

Ở chiến dịch này, lần đầu tiên pháo cơ giới tham gia chiếm tỷ lệ 14% trong tổng số lực lượng pháo toàn chiến dịch. Pháo cơ giới đã phát huy sức mạnh hỏa lực, đánh những đòn hỏa lực bất ngờ, đau, hiểm ở những trận mở đầu, trận then chốt và đặc biệt trong giai đoạn tổng công kích kết thúc chiến dịch.

Trong chiến dịch, pháo bắn ngắm trực tiếp đã tiêu diệt nhiều loại mục tiêu quan trọng của địch như: Máy bay đậu trên sân, trận địa pháo, sở chỉ huy, lô cốt, hỏa điểm. Thí dụ: Trận ngày 30-3, sơn pháo bắn 22 phát diệt năm lô cốt, hỏa điểm của địch, 8 giờ sáng ngày 13-3, hai máy bay Đa-cô-ta của địch vừa hạ cánh bị sơn pháo của ta bắn cháy tất cả.

Trong giai đoạn pháo bắn chuẩn bị, lực lượng súng cối dùng hỏa lực tiêu diệt các lực lượng vòng ngoài của địch; trong chi viện xung phong lực lượng súng cối là hỏa lực đi cùng để chi viện trực tiếp cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm của địch và chi viện phát triển chiến đấu, ngoài ra, súng cối còn được sử dụng để khống chế sân bay và chế áp pháo binh, súng cối địch.

Đặc biệt, khi đánh quân địch phản kích, súng cối đã góp phần quan trọng trong tiêu diệt sinh lực địch, đánh tan các cuộc phản kích của chúng.

Từ những phân tích ở trên nhận thấy, nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không đơn thuần ở số lượng hơn quân Pháp mà là nghệ thuật tạo ưu thế về sức mạnh tổng hợp bao gồm: Sử dụng kết hợp giữa số lượng với chất lượng chiến đấu cao; giữa pháo cơ giới và pháo khiêng vác; giữa lực lượng mạnh với thế trận táo bạo, hiểm hóc, bất ngờ; giữa yếu tố địa hình với sự nỗ lực chủ quan vượt bậc của các lực lượng tham gia chiến dịch.

Đây là những vấn đề cốt lõi giúp chúng ta có thêm những bài học quý sử dụng pháo binh trong xây dựng khu vực phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trung tá Ths VŨ BÌNH TUYỂN, Viện lịch sử quân sự Việt Nam

Theo Theo QDND
MỚI - NÓNG