Mỹ và Hàn Quốc hôm qua bắt đầu triển khai tập trận trên không quy mô lớn, với hàng trăm chiến đấu cơ hiện đại tham gia thực hiện các bài tập mô phỏng tấn công các địa điểm thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Khoảng 230 chiến đấu cơ tham gia đợt tập trận, trong đó có những loại mạnh nhất của Lầu Năm Góc như máy bay tàng hình F-35 Lightning II, máy bay ném bom chiến lược B1-B Lancer… Các máy bay này được điều đến chỉ khoảng 1 tuần sau khi Triều Tiên phóng thử loại tên lửa mà giới phân tích cho là có khả năng tấn công đất liền của Mỹ.
Nhưng giới chức Hàn Quốc nói rằng, đây là một phần của chương trình tập luyện thường niên được lên kế hoạch trước khi Triều Tiên thử tên lửa. Đợt tập trận lần này “nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên không kết hợp cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết của Mỹ và Hàn Quốc”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố. Hoạt động này vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ Triều Tiên.
Báo chí nhà nước Triều Tiên nói rằng đợt tập dượt mới nhất của Mỹ và Hàn Quốc đang đẩy bán đảo Triều Tiên “đến bờ vực chiến tranh hạt nhân”, và cảnh báo rằng, Bình Nhưỡng sẽ “xem xét nghiêm túc các biện pháp đáp trả để Mỹ và Hàn Quốc “trả giá xứng đáng cho những hành động khiêu khích của họ”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA viết.
Đợt tập trận kéo dài 5 ngày bắt đầu từ hôm qua còn có sự tham gia của 12.000 quân nhân và 6 máy bay F-22 Raptor. Đây là đợt điều động máy bay tàng hình quy mô lớn nhất của Mỹ đến Hàn Quốc. Các bài tập sẽ được thực hiện theo kịch bản chiến tranh, bao gồm kiểu tấn công nhằm vào những địa điểm thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc cho biết.
Trong chương trình của Fox News hôm 3/12, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster nói rằng, một cuộc tấn công phủ đầu cuối cùng có thể là cách duy nhất để chặn đứng Triều Tiên “xâm lược” Hàn Quốc. Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Triều Tiên thử tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay của họ hôm 29/11 và tuyên bố hoàn thành chương trình tên lửa đạn đạo có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang muốn tiến đến đàm phán nghiêm túc.
Hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, căng thẳng tái diễn trên bán đảo Triều Tiên là một điều rất đáng tiếc. Các bên nên tham vấn để tình hình lắng dịu trở lại, ông nói.
Giáp mặt tên lửa nổ trên trời
Trong bối cảnh căng thẳng khó đoán hiện nay, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham vừa thúc giục Lầu Năm Góc sơ tán gia đình của các quân nhân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc vì nguy cơ xung đột. Hơn 28.000 lính Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc và nhiều người trong số đó sống cùng gia đình họ. “Thật điên rồ khi đưa vợ con họ đến Hàn Quốc khi Triều Tiên khiêu khích như vậy”, ông Graham, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS. “Tôi nghĩ đã đến lúc bắt đầu đưa người thân của quân nhân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc”, ông nói.
Báo Hong Kong South China Morning Post hôm qua đưa tin phi hành đoàn trên một chuyến bay của hãng Cathay Pacific khi đang trên đường từ San Francisco (Mỹ) về Hong Kong qua vùng trời Nhật Bản đã nhìn thấy thứ có vẻ là tên lửa của Triều Tiên phát nổ trong lúc quay lại Trái đất. Cathay Pacific thông báo, họ đã liên lạc với các cơ quan chức năng liên quan và các hãng hãng không khác về thứ mà phi hành đoàn của chuyến bay số hiệu 893 nhìn thấy nhưng cho đến nay họ vẫn chưa có kế hoạch thay đổi đường bay.
Đây không phải lần đầu tiên tên lửa Triều Tiên bay gần máy bay chở khách. Ngày 28/7 năm nay, một máy bay của hãng Air France (Pháp) bay qua vị trí nổ của tên lửa Triều Tiên chỉ 10 phút trước khi tên lửa này rơi xuống mặt nước. Vào thời điểm tên lửa nổ, chiếc máy bay thương mại cách vị trí rơi của tên lửa khoảng 95-112km. Khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo, tên lửa liên lục địa của Triều Tiên đã bay qua vùng trời nơi rất đông máy bay thương mại hoạt động.
Đức đang nỗ lực mở lại các kênh liên lạc với Triều Tiên nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang thành chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Ông James Hoare, cựu Đại biện lâm thời Anh tại Triều Tiên nói với Bloomberg rằng, Đức đề xuất kênh liên lạc vốn tồn tại nhiều thập kỷ giữa Berlin và Bình Nhưỡng, nhằm duy trì nỗ lực ngoại giao trước nguy cơ đối đầu quân sự ngày càng tăng. “Đó là một tình huống đối đầu nguy hiểm với việc hai bên cùng tung nhiều hỏa lực”, ông nói.