Chia sẻ của PGS.TS Dương Thu Hằng, người đầy duyên nợ với văn hóa dân tộc thiểu số

PGS. TS Dương Thu Hằng (giữa) cùng hai học sinh lớp 8
PGS. TS Dương Thu Hằng (giữa) cùng hai học sinh lớp 8
TP - Lắng nghe PGS.TS Dương Thu Hằng, Khoa Ngữ văn, trường Ðại học (ÐH) Sư phạm, ÐH Thái Nguyên, chia sẻ về nghề mới thấy sự gắn bó của chị với văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam không chỉ vì đam mê mà đôi khi còn như duyên nợ.

Chị Hằng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất trung du nghèo, mẹ nhọc nhằn, chật vật nuôi cả bầy con thơ dại. Chính điều đó đã hun đúc nên nghị lực phi thường của người phụ nữ này. 20 năm làm giảng viên khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cùng với trải nghiệm trước đó khiến chị đam mê nghiên cứu về văn hóa cũng như ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

“Bên trong mỗi người dân đến từ các dân tộc khác đều có nhiều vỉa tầng văn hóa cần khai thác. Bên trong tiếng nói của dân tộc họ là nền văn hóa bản địa rất phong phú”, PGS. Dương Thu Hằng say mê kể. Vì thế, cách đây 10 năm, khi trường chị công tác định hướng phát huy thế mạnh vùng miền trong nghiên cứu giảng dạy, chị đã chuyển hướng và coi đó như một cái duyên.

Nhiều trải nghiệm

Năm 2016, PGS. TS Dương Thu Hằng được giao thực hiện đề tài cấp nhà nước về nghiên cứu chính sách và giải pháp bảo tồn những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của chị đi khảo sát ở 12 tỉnh thành khu vực miền núi phía Bắc. Đối tượng nghiên cứu là những dân tộc khó khăn và còn rất ít người như Si La, Pu Péo, La Hủ, Mảng… Chị tìm những người còn giữ được nguyên bản tiếng nói của dân tộc họ, ghi âm rồi về phân tích.  

Mỗi một ngôn ngữ, chị phải tìm để ghi âm được ít nhất 500 từ. Sau 4 năm, nhóm hoàn thành sơ bộ công trình nghiên cứu và có 2 báo cáo ở hội nghị quốc tế diễn ra tại Nhật Bản, 1 báo cáo ở Úc và 1 công bố bảo tồn tiếng La Chí ở Hà Giang đăng trên tạp chí quốc tế.

Chị nói rằng, kết quả này so với ngành khoa học tự nhiên còn khá khiêm tốn, nhưng điều khiến chị vui nhất là đã hướng dẫn cho học trò được 2 giải nhì cấp Bộ về nghiên cứu khoa học, đào tạo được 8 thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh theo hướng nghiên cứu văn hóa dân tộc, có 1  công trình chuyển giao cho bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài lớn, chị đã tận dụng để kèm theo một số đề tài nhỏ. Đó là hướng dẫn 2 học sinh lớp 8 xây dựng kênh radio “Em yêu văn học” để phát triển tình yêu văn học và văn hóa đọc cho học sinh trường THCS Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên. Công trình này đã đạt giải nhì nghiên cứu khoa học dành cho học sinh, sinh viên tỉnh Thái Nguyên.

Trong quá trình đi khảo sát, chị phát hiện ra khu du lịch sinh thái Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng điều kiện địa phương nhiều hạn chế, không có ai truyền thông. Từ  thực tế đó, chị gợi ý học sinh trường THPT Vùng Cao Việt Bắc đề tài xây dựng bộ sản phẩm truyền thông để quảng bá du lịch cho khu sinh thái này.

Đến nay, sản phẩm là 1 website, fanpage, 1 kênh YouTube hằng ngày cập nhật thông tin đã được nhóm nghiên cứu trao tặng cho địa phương. Mới đây, chị cũng hướng dẫn đề tài cho sinh viên K52 được giải nhì cấp Bộ về dân ca Pu Péo với việc bảo tồn văn hóa tộc người. Cùng với đó, TS. Hằng bước đầu hướng dẫn cho giáo viên phổ thông và học sinh thực hiện các dự án học tập.

Thời gian tới, chị dự kiến kết hợp trường ĐH Cần Thơ triển khai đề tài mô  hình giáo dục kết hợp giữa nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số và đổi mới mô hình giáo dục trong nhà trường phổ thông. Đây là đề tài hướng đến việc dạy tốt chương trình giáo dục phổ thông trong chương trình mới. Theo chị, nghiên cứu không được ứng dụng trong thực tế sẽ rất lãng phí.

PGS.TS Dương Thu Hằng là chủ nhiệm của 4 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, là tác giả của 24 bài báo khoa học đã được đăng tải trên các tạp chí quốc gia, 3 báo cáo khoa học tại các hội thảo khoa học quốc tế, 1 bài báo quốc tế. Chị được xét công nhận phó giáo sư năm 2015.

MỚI - NÓNG