Phát triển du lịch gắn với văn hóa
Năm 2023, du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá: khách quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt (vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách và gấp 3,5 lần năm 2022), khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38%. Với mục tiêu năm 2024 đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, còn đó nhiều việc phải làm.
Nhiều đại biểu khẳng định những giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. |
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình xác định, việc liên kết nội vùng và liên vùng về quản trị và khai thác, phát huy các di sản nhằm phát triển du lịch là một nội dung cần được quan tâm trong quy hoạch phát triển vùng nói chung, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó cần quan tâm nhất tới các con đường di sản gắn với cố đô Hoa Lư. Để thúc đẩy và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, cần kiến tạo, thúc đẩy những cơ chế đặc thù cho phục dựng, bảo tồn và phát huy đô thị di sản, giữ được bản sắc riêng, dung nạp giá trị di sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành VHTTD. Ảnh: Trần Huấn |
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói rằng, cốt yếu khi phát triển du lịch là lấy văn hóa để phát triển du lịch và lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa. Ông khẳng định, những giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hà Giang.
“Các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền, tổ chức trình diễn góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2023, Hà Giang đã đón hơn 3 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 7.092 tỷ đồng. Lượng khách du lịch tăng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh”, ông Trần Đức Quý nêu. Hà Giang có kế hoạch phục dựng nhiều giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống cho phát triển du lịch.
Giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, cần giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài như vấn đề liên quan đến sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và Hãng phim truyện Việt Nam... “Các vụ việc kéo dài khiến chúng ta đau đầu như Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Hãng phim truyện Việt Nam... Tôi đề nghị Bộ VHTTDL cùng Chính phủ giải quyết dứt điểm các việc tồn đọng", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Một cung đường, nhiều điểm đến
Phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Lĩnh vực du lịch đạt nhiều kết quả hồi phục tích cực, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số vụ việc phức tạp để kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận. Công tác truyền thông chính sách cần tích cực hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, lãnh đạo ngành du lịch đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.
“Cần phát triển du lịch theo hướng Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện. Toàn ngành tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, chủ động đề xuất những cơ chế và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, năm 2024, ngành du lịch phấn đấu đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến"; xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế. Cần quan tâm thúc đẩy, bảo đảm tiếp cận bình đẳng về VHTTDL với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đặc biệt là với những người yếu thế.
Tạo lập thị trường văn hóa
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, Sở đang tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa. Đây là yếu tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngỏ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
“Thời gian qua, dịch vụ văn hóa dần được định hình, tạo thành những sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc làm này là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng không quá thận trọng để mất đi những cơ hội vàng trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo”, ông Trần Thế Thuận nhận định.