Không tài sản thế chấp, vẫn vay được hàng trăm tỷ
Nói về quan hệ giữa chi nhánh Agribank Nam Hà Nội với công ty của Lê Minh Hiếu (SN 1974, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Vietmade và Cty Lifepro), bị cáo Hiền cho biết mối quan hệ giữa hai bên đã có từ trước. Tại phần khai hôm qua (21/12), bị cáo Phạm Bích Lương (cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) khẳng định doanh nghiệp của Hiếu và chi nhánh có mối quan hệ thân thiết, được coi là “khách ruột” của ngân hàng.
Tòa tiếp tục hỏi hành vi giải ngân của bị cáo Hiền với Cty Lifepro, song bị cáo này nói không nhớ chính xác. Nghe đến đây, chủ toạ phiên tòa khẳng định, tài liệu vụ án thể hiện cựu phó giám đốc chi nhánh chính là người ký vào tài liệu đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay gửi Agribank.
“Theo bị cáo, hành vi cho 2 công ty của anh Hiếu vay tiền có vi phạm quy định về cho vay không?” – chủ toạ lên tiếng. “Dạ, bị cáo cho là đã đúng quy trình ạ”. Chủ toạ tiếp tục truy vấn bị cáo Hiền về khoản vay 80 tỷ đồng của một doanh nghiệp. Đến lúc này, bị cáo mới đáp nhỏ: “Chi nhánh đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra hàng hoá ạ” – bà Hiền đáp. “Thế việc thẩm định cho vay vốn ban đầu có đúng không?”. Nghe xong, bị cáo Hiền khẳng định mình không tham gia hoạt động này.
Nói về khoản “lại quả”, bị cáo Hiền khai nhận đã có một món quà 3 tỷ đồng từ Lê Minh Hiếu. Theo lời khai tại toà, Hiếu là người ngồi tại phòng làm việc của cựu giám đốc chi nhánh chia tiền cho Hiền, Lương và các thuộc cấp. “Số tiền được anh Hiếu chia theo từng phong bì. Riêng bị cáo nhận 800 triệu” – bị cáo Hiền khai.
Nói về các khoản “chia chác”, bị cáo Hiền cho rằng cáo trạng đã cáo buộc không chính xác. “Việc chia tiền là do anh Hiếu thực hiện và theo chỉ đạo của chị Lương” – bị cáo Hiền khẳng định.
Ngay sau đó, chủ toạ gọi hỏi bị cáo Lê Minh Hiếu (bị truy tố theo tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ). Theo bị cáo Hiếu, khi tiếp cận Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, bà Hiền (cựu phó) nói sẽ xem xét cho vay.
Tài liệu truy tố khẳng định, cựu giám đốc chi nhánh cùng cấp phó đã bàn bạc với Hiếu để tìm cách giải ngân cho doanh nghiệp của Hiếu cụ thể là hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Cty Lifepro với Cty Anzo Việt để mua nguyên vật liệu để triển khai dự án dệt – nhuộm – may. Trên thực thế, Cty Enzo đã hết hạn mức cho vay tại Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội.
Do vậy, “bộ ba” nói trên đã bàn bạc sử dụng pháp nhân của Cty Lifepro và Cty Vietmade của Hiếu để làm các hợp đồng liên kết kinh tế, đã cho Cty Vietmade vay bằng 1 hợp đồng tín dụng quy đổi thành 70 tỷ đồng và cho Cty Lifepro vay 80 tỷ đồng, đồng thời lập hồ sơ đề nghị HĐQT Agribank phê duyệt nâng quyền phán quyết cho Chi nhánh Nam Hà Nội để cho Cty Lifepro vay 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả điều tra thể hiện không có việc nguyên liệu nhập về nhà máy, gây thiệt hại cho Chi nhánh Nam Hà Nội hơn 420 tỷ đồng.
Hô biến doanh nghiệp bết bát thành làm ăn có lãi
Nói về khoản dư nợ các doanh nghiệp tại ngân hàng, bị cáo Hiếu thừa nhận khoảng hơn 420 tỷ đồng và đang không có khả năng thanh toán. “Vậy bị cáo có biết vì sao không có khả năng thanh toán không?”. “Dạ, bị cáo không biết” – Hiếu đáp. Ngay lập tức, vị chủ toạ đã giải thích, lý do chính là các khoản vay không hề có tài sản thế chấp.
Thẩm vấn về hành vi chỉnh sửa hồ sơ doanh nghiệp, HĐXX yêu cầu bị cáo Hiếu giải thích chuyện trong giai đoạn 2009 đến 2010 Hiếu làm ăn thua lỗ, song, sau đó đã chỉnh sửa tài liệu thành có lãi. “Ai đã chỉnh sửa hồ sơ” – một thành viên trong HĐXX đặt câu hỏi. “Dạ, đó là anh Long ở phòng tín dụng hướng dẫn ạ” – Hiếu đáp.
Trả lời câu hỏi việc “hô biến” từ một doanh nghiệp làm ăn bết bát sang có lãi là đúng hay sai, Hiếu cho rằng, đó là sự linh hoạt của ngân hàng, nghiệp vụ của ngân hàng, doanh nghiệp chỉ biết vay, còn có cho vay hay không thuộc về thẩm quyền của ngân hàng.