Chi tiêu quân sự toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại vì xung đột Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chi tiêu quân sự trên toàn cầu trong năm 2022 tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, với tổng số 2,24 nghìn tỷ USD, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine khiến châu Âu dùng nhiều ngân sách hơn cho quốc phòng.
Chi tiêu quân sự toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại vì xung đột Ukraine ảnh 1

Cuộc xung đột ở Ukraine là nguyên nhân chính khiến chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh trong năm 2022. (Ảnh: AP)

Báo cáo thường niên về chi tiêu quân sự toàn cầu được Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 24/4 cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng năm thứ 8 liên tiếp. Riêng của châu Âu tăng 13%, cao nhất trong ít nhất 30 năm.

SIPRI cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Xu hướng chi tiêu quân sự toàn cầu tăng liên tục trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng kém an toàn. Các quốc gia đang tăng cường sức mạnh quốc phòng để ứng phó với môi trường an ninh ngày càng xấu đi, và họ không thấy triển vọng tình hình sẽ khá hơn trong tương lai gần”, Nan Tian, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, viết.

Sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các nước xung quanh đầu tư mạnh hơn cho quốc phòng. Chi tiêu quân sự của Phần Lan tăng 36%, còn Lithuania tăng 27%.

Trong tháng này, Phần Lan, một quốc gia giáp biên giới với Nga, trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thụy Điển vẫn tiếp tục nỗ lực gia nhập liên minh quân sự này.

Theo nghiên cứu, chi tiêu quân sự của Ukraine tăng hơn 6 lần trong năm 2022, lên 44 tỷ USD, mức tăng cao nhất theo năm kể từ khi SIPRI bắt đầu thống kê.

Tính theo GDP, chi tiêu quân sự của nước này tăng 34% trong năm 2022, trong khi tỷ lệ của năm trước đó là 3,2%.

Chi tiêu quân sự của Nga tăng khoảng 9,2% trong năm 2022, lên khoảng 86,4 tỷ USD.

Mỹ vẫn là nước chi nhiều nhất cho quân sự, tăng 0,7% lên 877 tỷ USD trong cùng năm, chiếm tới 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Theo nghiên cứu của SIPRI, việc Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng chủ yếu là để hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine.

Viện trợ tài chính quân sự của Mỹ cho Ukraine đạt 19,9 tỷ USD trong năm 2022.

Trung Quốc vẫn là nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, dành khoảng 292 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn 4,2% so với năm 2021 và cũng đánh dấu đà tăng liên tục trong 28 năm.

Trong khi đó, Nhật Bản chi 46 tỷ USD cho quân sự trong năm 2022, tăng 5,9% so với năm trước. Theo SIPRI, đây là mức chi tiêu quân sự cao nhất của Nhật Bản kể từ năm 1960.

Nhật Bản và Trung Quốc có mức chi tiêu quân sự cao nhất ở châu Á và châu Đại Dương. Theo nghiên cứu, chi tiêu quân sự của khu vực này tăng liên tục kể từ năm 1989.

Theo AP
MỚI - NÓNG