Chi tiết 100 tuyến đường đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND quận 1, 10 và 11 (TPHCM) vừa đề xuất danh mục khoảng 100 tuyến đường với các đoạn vỉa hè đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, giữ xe máy để thực hiện thí điểm thu phí.

UBND quận 1, quận 10 và quận 11 vừa gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cùng các đơn vị liên quan lấy ý kiến về các danh mục tuyến đường có hè phố sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông.

Theo đó, quận 1 là địa phương có nhiều nhất với 52 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa.

Đơn cử như các tuyến đường Võ Văn Kiệt (qua phường Cô Giang từ số nhà 332 đến 338 và 344 đến 390, phường Nguyễn Thái Bình từ số nhà 24 đến 72, phường Cầu Ông Lãnh từ số nhà 168 đến 202); đường Võ Thị Sáu (qua phường Tân Định từ số nhà 46 đến 204, phường Cầu Kho từ số nhà 468 đến 600); đường Trần Hưng Đạo (qua phường Cầu Kho từ số nhà 337 đến 603, phường Nguyễn Cư Trinh từ số nhà 150 đến 244, phường Phạm Ngũ Lão từ số nhà 10 đến 110); đường Cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh từ số nhà 4 đến 40 và 24 đến 37, phường Phạm Ngũ Lão từ số nhà 244 đến 256), đường Hàm Nghi (qua phường Bến Nghé từ số nhà 48 đến 76 và từ 82 đến 166, phường Nguyễn Thái Bình từ số nhà 5 đến 21), đường Nguyễn Huệ (qua các phường Bến Nghé từ số nhà 39 đến 113, 16 đến 72, 40 đến 42);…

Ngoài ra, quận 1 còn có 12 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức giữ xe có thu phí bao gồm: đường Cô Bắc, Đinh Tiên Hoàng, Đông Du, Hải Triều, Hàm Nghi, Lê Thị Hồng Gấm, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thái Học, Thi Sách, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Kiệt.

Chi tiết 100 tuyến đường đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè ở TPHCM ảnh 1

Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (quận 1) được kẻ vạch cho người dân để xe máy tự quản. Ảnh: Hữu Huy

UBND quận 1 cho biết, hiện nay, UBND 10 phường thuộc quận đang rà soát một số tuyến đường trên địa bàn có hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa để tổ chức thực hiện thí điểm.

UBND quận 1 cũng cho biết, quận đã hoàn thiện nội dung bản đồ số và các tài liệu có liên quan trên cơ sở danh mục các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm giữ xe hai bánh (không thu tiền dịch vụ), tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và điểm trông, giữ xe có thu phí trên địa bàn.

Trong khi đó, UBND quận 10 đã xác định có 28 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần để tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán hàng hóa.

Các tuyến đường gồm: Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Vĩnh Viễn, Bà Hạt, Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nhân Tôn, Nhật Tảo, Ngô Quyền, Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ, Tô Hiến Thành…

Đồng thời, quận 10 có 4 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện làm điểm trông, giữ xe có thu phí, gồm: Vỉa hè phố trước nhà khách Chính phủ trên đường Lý Thái Tổ để phục vụ phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (khoảng 420 m2); vỉa hè bên hông Bệnh viện Trưng Vương trên đường đường Lý Thường Kiệt; vỉa hè bên hông Bệnh viện Trưng Vương và trước chợ Hòa Hưng trên đường Tô Hiến Thành; vỉa hè trước chợ Hòa Hưng trên đường Cách Mạng Tháng Tám.

Tại quận 11, UBND quận đã rà soát, lập ra danh mục có 17 tuyến đường giữ xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ và 1 tuyến đường để xe 2 bánh có thu tiền dịch vụ là Lữ Gia (từ đường Nguyễn Thị Nhỏ đến Lý Thường Kiệt).

Hiện danh sách các tuyến đường này đã được các quận gửi về Sở GTVT TPHCM, Ban An toàn giao thông TPHCM cùng Công an TPHCM xem xét thống nhất danh mục và cho ý kiến phản hồi.

Tại kỳ họp lần thứ 11 vào tháng 9/2023, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Hồi đầu năm nay, Sở GTVT TP đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đề nghị địa phương khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ. Đồng thời, các địa phương cần tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai thực hiện có lộ trình. Từ đó, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.