Nhiều áp lực
Để duy trì sản xuất theo quy định “3 tại chỗ” (làm tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ), bên cạnh chi phí sinh hoạt cho công nhân, DN còn nặng gánh thêm khoản tiền xét nghiệm. Theo quy định, các DN này cứ 5-7 ngày phải xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, chi phí do DN tự trả. Với những DN có đơn hàng lớn và duy trì lượng công nhân nhiều để đảm bảo sản xuất thì chi phí lại càng đội lên cao.
Công ty 3D Hub Global (Q.Tân Phú, TPHCM) chuyên in ấn 3D lo chỗ ăn ở cho hơn 80 công nhân viên ngay tại nhà máy. Dù có nhiều khó khăn giai đoạn đầu, nhưng hiện tại DN đã dần ổn định và tập trung thời gian vào sản xuất. Tuy nhiên, cái khó cũng DN này chính là chi phí xét nghiệm.
Cứ 5 ngày/lần, Công ty 3D Hub Global đều phải xét nghiệm lại cho tất cả công nhân thực hiện "3 tại chỗ" tại công ty |
“Cứ 5 ngày, nhân viên y tế sẽ đến công ty để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Chi phí xét nghiệm cho mỗi công nhân hơn 300.000 đồng/lần. Hiện công ty đã chi thêm cả trăm triệu đồng cho việc xét nghiệm nhanh, còn nếu xét nghiệm PCR giá sẽ cao hơn”, bà Lý Thanh Phong - Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global nói và cho biết thêm, tạm thời DN có thể lo được tất cả chi phí ăn ở và xét nghiệm, nhưng nếu thực hiện “3 tại chỗ” quá dài, DN lo không cầm cự nổi.
Ông Đoàn Võ Khang Duy - Phó chủ tịch Hội Cơ khí, Điện TPHCM cho biết, hơn 2 tuần thực hiện “3 tại chỗ”, một số DN nhận thấy mô hình này chỉ có thể kéo dài tối đa một tháng vì về lâu dài không thể biến khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thành một khu dân cư. Bên cạnh đó, tâm lý người lao động bất ổn khi phải ở lâu trong nhà máy chịu sự kiểm soát khắt khe.
Theo khảo sát, một số DN đã tiến hàng “3 tại chỗ” đang dần rút lui vì nhận thấy quá tải về hệ thống an toàn, an sinh, một số vấn đề về môi trường. Ngoài ra, việc tăng gánh nặng chi phí về việc lo ăn ở ngày 3 bữa… cũng là rào cản làm DN khó tiếp tục cầm cự.
Không cứng nhắc
Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM cho biết, hiện nay số lượng DN ngành dệt may đáp ứng được “3 tại chỗ” chưa nhiều. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến khó lường đã khiến tâm lý người lao động thêm bất ổn, nhất là hiện nay có nhiều địa phương dự kiến đón người lao động về quê nên các DN sản xuất càng gặp khó khăn.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony (Q.Tân Bình, TPHCM) nhìn nhận, vì tiến độ đơn hàng gấp rút phải thực hiện nên các DN xoay xở mọi cách để áp dụng “3 tại chỗ”. Phần lớn DN sản xuất trong giai đoạn này đều nghĩ về việc duy trì bạn hàng, đối tác chứ chi phí để sản xuất đã bào mòn phần lớn lợi nhuận. “Nhưng DN cũng chỉ gồng gánh trong một khoảng thời gian ngắn, còn kéo dài tình trạng sản xuất như hiện nay sẽ rất khó khăn” - ông Quang Anh cho hay.
Công nhân ăn ở lại doanh nghiệp |
Ngày 31/7, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đã tổ chức chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 57. Tại đây, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng không nên gò bó ở hai phương thức “ba tại chỗ; một cung đường hai điểm đến”.
“Thành phố không đặt ra những quy định để làm khó DN. Bây giờ DN và cơ quan chức năng cùng ngồi lại với nhau tính toán kế hoạch, giải pháp an toàn cho từng DN, từng ngành hàng, cả cộng đồng DN. Chúng ta không gò bó vào “3 tại chỗ” mà có những phương thức dựa trên những nguyên tắc thật sự giảm tiếp xúc, giảm lây nhiễm và chăm lo đời sống sức khỏe vật chất tinh thần cho công nhân” - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi, nếu từng DN, loại hình DN có phương thức sản xuất đảm bảo an toàn thì có thể đề xuất. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố sẽ chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, ngành chức năng thẩm định vận hành theo phương thức đó.