Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm trong tháng 1
> Thưởng Tết bằng ...vé tàu xe
> Mỗi người Việt gánh 800 USD nợ công
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tháng 1 là tháng áp Tết Nguyên đán nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp lại giảm 3,2% so với tháng trước và giảm ở tất cả các ngành công nghiệp cấp 1.
Ảnh: minh họa - Hồng Kỳ/TTXVN |
Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,0%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,0%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp cho dịp Tết Nguyên đán năm nay thấp.
Vì vậy, chỉ số tồn kho tại thời điểm tháng 1 năm nay tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng rất cao gồm thiết bị truyền thông tăng 374%, phân bón và hợp chất nitơ tăng gần 63%, ximăng tăng gần 356%; dây, cáp điện tăng 34%, may trang phục tăng trên 23%; môtô, xe máy tăng gần 21%, thuốc lá tăng 19%, đường tăng khoảng 18%; sản xuất sắt-thép-gang tăng 17%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng gần 16%; cấu kiện kim loại tăng 13,7%.
Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm này bằng khoảng 7% so với giá trị hàng hóa được sản xuất trong năm 2012.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 1/2012 vẫn tăng 5,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 12,4%.
Tại các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 19,4%; Bình Dương tăng 16,8%; Hà Nội tăng 0,8%; Hải Phòng tăng 1,8%; Bắc Ninh tăng 19%; Vĩnh Phúc tăng 1,8%; Đà Nẵng tăng 5,9%.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Bộ Công Thương đang tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, công nghiệp chế tạo...
Nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh việc thực hiện cam kết tiêu thụ sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ.
Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục triển khai quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước./.
Theo Nguyễn Kim Anh
TTXVN