Trong suốt chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi đây đã ghi đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Từ năm 1962, Khu di tích Chi Lăng đã được xếp hạng quốc gia ngay trong đợt đầu với 52 điểm chiến tích, trong đó có những điểm tiêu biểu: Luỹ ải Chi Lăng, núi Quỷ và Quỷ Môn Quan, đền Hổ Lai, di tích hòn đá Mổ Lợn, núi Mã Yên, ngõ Luỹ Thề…
Tượng đài chiến thắng Chi Lăng. Ảnh: Duy Chiến |
Khu di tích lịch sử Chi Lăng được các nhà nghiên cứu văn hóa mệnh danh là “Bảo tàng lịch sử lớn nhất ngoài trời”. Trong đó, nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng được xây dựng từ năm 2004 rộng trên 1,7 ha, cùng nhiều đơn nguyên chức năng như: nhà trưng bày, nhà kho, xưởng phục chế, nhà thường trực. Nổi bật và gây ấn tượng với du khách khi đi trên quốc lộ 1A là Tượng đài chiến thắng Chi Lăng trong khuôn viên nhà trưng bày được coi là một điểm nhấn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc và khí thế chiến thắng Chi Lăng hào hùng.
Ải Chi Lăng. Ảnh: Minh Đức |
Đặc biệt, hiện nay Chi Lăng đang khẩn trương thực hiện Dự án Đền thờ Chi Lăng có tổng diện tích 50 ha, gồm các công trình: nhà bảo tàng, tượng đài, đền thờ, các dịch vụ du lịch giải trí, cảnh quan dự trữ phát triển với mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn đầu tư (giai đoạn 1, thực hiện trong thời gian từ năm 2019 đến 2020: xây dựng đền thờ chính; giai đoạn 2 xây dựng các hạng mục còn lại). Đền thờ chính được thiết kế tại vị trí cao nhất, có cao độ 83,4 m, chính giữa trục thần đạo, trên một cấp sân rộng 2.000 m2, có mặt bằng hình chữ Tam, gồm ba tòa: Tiền chế - Trung cung - Hậu cung.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công Đền Chi Lăng giai đoạn 2, ngay trong những ngày đầu năm 2024, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức nhiều đoàn làm việc xuống kiểm tra, đôn đốc, động viên các đơn vị đang thực hiện thi công tại công trường. Theo báo cáo, Đền Chi Lăng hiện đang trong giai đoạn lắp đặt các đồ thờ, nội thất tại gian tiền tế, trung cung, hậu cung, và các công trình phụ trợ như sân đền, trang trí khuôn viên, trồng cây xanh. Huyện Chi Lăng phấn đấu hoàn thành xây dựng giai đoạn 2 và khánh thành, đưa Đền Chi Lăng đón du khách vào dịp lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc xã Chi Lăng xuân Giáp Thìn năm 2024.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng chia sẻ: Việc xây dựng Khu di tích Chi Lăng nhằm tổ chức, quy hoạch một khu trung tâm có không gian lớn, hội tụ, tập trung các công trình, hạng mục, các thiết chế văn hóa, lịch sử, tâm linh đáp ứng được yêu cầu về tổ chức các loại hình dịch vụ văn hóa, du lịch. Đây cũng là nơi người dân thập phương đến tưởng nhớ, ghi công các anh hùng dân tộc và những người đã hy sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, Khu di tích Chi Lăng đã được tỉnh Lạng Sơn quan tâm đầu tư, đặt các biển báo, bia, xây dựng nhà chiến tích,... nhưng quy mô còn nhỏ. Nếu được chú trọng đầu tư, tu bổ xứng với tầm vóc lịch sử, nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan, du lịch lý tưởng cho du khách, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.