Nhiều tín hiệu vui
Chiều ngày 16/11/2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT)TNT đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các cơ quan liên quan tổ chức thành công buổi Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
Đây là thành quả mà trước đó, Bộ NN &PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; sau đó, phía bạn có thông báo cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam và công bố Công ty Cổ phần dinh dưỡng AVANEST Việt Nam (Công ty AVANEST) là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép xuất khẩu yến.
Trong ngày này, đại diện lãnh đạo Bộ NN & PTNT, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Giám đốc Công ty AVANEST, Đại diện đối tác Trung Quốc và một số cơ quan Việt Nam đã cắt băng chào mừng sự kiện nhận mã xuất khẩu và chứng kiến chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên thông quan qua biên giới Việt- Trung.
Khách Trung Quốc vui mừng nhập cảnh vào Việt Nam .Ảnh: Duy Chiến |
Những ngày đầu tháng 12, UBND huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam) và chính quyền huyện Ninh Minh (Quảng Tây, Trung Quốc) phối hợp tổ chức lễ khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) sau thời gian tạm dừng vì dịch Covid-19.
Thời gian thực hiện bắt đầu từ 1/12/2023. Việc khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh được thực hiện theo nội dung trao đổi giữa chính quyền tỉnh Lạng Sơn và chính quyền Quảng Tây, sẽ giúp tạo thuận lợi cho công dân hai nước làm thủ tục qua lại biên giới thăm thân, giao lưu buôn bán. Thời gian mở cửa bắt đầu từ 8h30 đến 18h30 hàng ngày (giờ Bắc Kinh) và từ 7h30 đến 17h30 (giờ Hà Nội). Đồng thời, chính quyền 2 bên cũng quyết định điều chỉnh thời gian thông quan vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm.
Theo đó, từ đầu tháng 12 này, hàng hóa được làm thủ tục thông quan qua khu vực cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm buổi sáng từ 8h30 đến 12h (giờ Bắc Kinh) và 7h30 đến 11h (giờ Hà Nội); buổi chiều từ 14h30 đến 18h (giờ Bắc Kinh) và 13h30 đến 17h (giờ Hà Nội).
Để đảm bảo các hoạt động khôi phục được diễn ra đúng quy định, trước đó, tỉnh Lạng Sơn đã nhanh chóng triển khai hoàn thiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại khu vực cửa khẩu, đảm bảo nâng cao hiệu suất thông quan cho người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma.
Lãnh đạo và các ngành chức năng Lộc Bình (Việt Nam) và Ninh Minh (Trung Quốc) chứng kiến du khách qua lại cửa khẩu Chi Ma .Ảnh: Duy Chiến |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên (bìa phải) đón tiếp đoàn đại biểu Quảng Tây, Trung Quốc. |
Trung tá Nguyễn Đức Bính, Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho biết: Việc khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh đã tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch giữa hai bên ngày càng phát triển; tạo điều kiện cho nhân dân khu vực biên giới hai nước qua lại thăm thân, có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống…Hiên nay, mỗi ngày có khoảng 30- 40 khách XNC qua biên giới, chủ yếu đi bằng hộ chiếu. Còn hàng hóa, có khoảng 60-70 xe được thông qua qua cửa khẩu Chi Ma một cách thuận tiện, nhanh chóng…
Nỗ lực cho biên giới phát triển
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cuộc họp mặt, trao đổi tăng cường mối quan hệ hữu nghị với nước bạn Trung Quốc. Sáng 30/11/2023, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) do ông Liêu Phẩm Hổ, Phó Chủ tịch Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên bày tỏ vui mừng khi ông Liêu Phẩm Hổ và Đoàn đại biểu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn; đồng thời nhấn mạnh, Lạng Sơn là địa bàn trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc lớn nhất trên đường bộ, là con đường quan trọng để xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam cũng như nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN và ngược lại.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành xây dựng Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Hiện đề án đã cơ bản hoàn thiện và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2023. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Giao thông – Vận tải của Việt Nam để xem xét, xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng theo khổ 1,4m để sớm kết nối liên thông với tuyến đường sắt của Quảng Tây, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới qua tuyến đường sắt.
Lô sản phẩm tổ yến đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị |
“Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng của Quảng Tây tiếp tục phối hợp với tỉnh Lạng Sơn sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại một số cặp cửa khẩu của hai bên; tiếp tục phối hợp tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan qua các cặp cửa khẩu; sớm phối hợp tổ chức lễ công bố chính thức vận hành đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc) là lối thông quan thuộc Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); sớm khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa qua cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) – Bình Nhi Quan (Trung Quốc), cùng thúc đẩy nâng cấp và mở chính thức cặp cửa khẩu này thành cửa khẩu song phương; thúc đẩy hoạt động du lịch lữ hành giữa hai bên…”. Phó Chủ tịch Thường trực Dương Xuân Huyên đề nghị.
Đoàn công tác Ban quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn cùng đoàn đại biểu Bằng Tường (Trung Quốc) khảo sát cửa khẩu Cốc Nam .Ảnh: Duy Chiến |
Cùng với đó, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn kết nối, tổ chức các buổi hội đàm, gặp mặt với các ngành chức năng nước bạn nhằm tháo gỡ những khó khăn, phát sinh.
Ngày 2/11/2023 vừa qua, Đoàn công tác Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn do ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn cùng với đại diện lãnh đạo các sở, ngành địa phương đón tiếp, làm việc và đưa Đoàn công tác của Ban Quản lý Khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc do bà Lý Thu Diễm, Phó Chủ nhiệm Ban Quản lý Khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường làm trưởng đoàn, đi khảo sát thực địa tại các cửa khẩu Cốc Nam, Tân Thanh, Na Hình trên địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để tìm hiểu về tình hình cơ sở hạ tầng cửa khẩu, quy trình thông quan và hiện trạng hợp tác thương mại song phương.
Qua khảo sát, phía Trung Quốc đánh giá cao về cơ sở hạ tầng khu vực các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đều đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại gồm hệ thống đường giao thông nội bộ, nhà kiểm soát liên hợp, các bến bãi, kho hàng, cổng cửa khẩu và bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp…
Trên cơ sở những kết quả khảo sát, trao đổi, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lạng Sơn và Ban Quản lý Khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nỗ lực triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu suất thông quan hàng hoá qua các cửa khẩu trong thời gian tới, theo đó sẽ tập trung vào việc tối ưu hoá quy trình thông quan, hỗ trợ chính sách và thường xuyên trao đổi thông tin để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của hai bên thuận lợi, thực chất, phát triển.
“Lạng Sơn mong muốn các ngành chức năng của Quảng Tây tiếp tục phối hợp với tỉnh sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại một số cặp cửa khẩu của hai bên; tiếp tục phối hợp tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan qua các cặp cửa khẩu, giúp giao thương giữa 2 nước ngày càng phát triển”, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn