Ngày 8/12, tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - cho biết, địa phương có khoảng 2,6 triệu con lợn, 26,1 triệu con gà. Mô hình chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn. Đây là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển lớn nhất cả nước với nguồn cung dồi dào phục vụ đủ nhu cầu của địa phương và các tỉnh lân cận trong khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề bất cập là khâu dự báo thị trường của Đồng Nai khá yếu. "Người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá người chăn nuôi không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống, người chăn nuôi gánh chịu chính. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi còn lỏng lẻo khiến chăn nuôi luôn bấp bênh, rủi ro", ông Công nói.
Giá gà và các sản phẩm chăn nuôi đang xuống thấp khiến người nông dân lo mất Tết |
Đặc biệt, theo Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, địa phương hiện có 1,7 triệu con gia cầm nhưng lại không có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung. Sản phẩm của tỉnh phải ngược về Long An giết mổ và trở lại người tiêu dùng Đồng Nai, từ đó người tiêu dùng phải mua giá cao, còn người chăn nuôi bán với giá thấp.
Ông Đỗ Hữu Phương - đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cho biết, qua 11 tháng theo dõi, đơn vị nhận thấy giá các sản phẩm chăn nuôi của Đông Nam Bộ biến động thất thường. Đặc biệt, giá gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng biến động mạnh nhất.
Trong 3 tháng đầu năm, người nuôi gà lông trắng chịu lỗ, từ tháng 5 đến tháng 9 giá đổi chiều tăng, người dân có lãi. Nhưng từ tháng 9 tới nay, giá lại giảm.
"Bình quân giá gà lông trắng xuất chuồng 31.800 đồng/kg, so với giá thành sản xuất người dân đang chịu lỗ hơn 1.000 đồng/kg. Tương tự, gà lông màu bà con chăn nuôi lỗi khoảng 1.800 đồng/kg.
Trong khi đó, trong 10 tháng năm nay, Việt Nam chi khoảng 237 triệu USD để nhập 211.000 tấn thịt gà. Còn xuất khẩu chỉ được 1.000 tấn với trị giá 2,2 triệu USD", ông Phương nói.
Theo ông Phương, trong bối cảnh nguồn cung gia súc, gia cầm đang dồi dào, để giữ giá các sản phẩm không lao dốc, nhất là giá gà; các doanh nghiệp cần giảm nhập khẩu gà đông lạnh. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm.
Đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cũng đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng, giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này; các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn.
Chi hơn 3 tỷ USD nhập khẩu thịt
Đại diện Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay bình quân mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ 55 - 57 kg thị các loại, 130 - 135 quả trứng, chỉ bằng 70-80% so với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng lượng thị sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và trứng gia cầm, thủy cầm là 17 tỷ quả/năm. Phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp.
Tuy vậy, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã chi trên 3 tỷ USD để nhập khẩu các loại mặt hàng thịt. Trong đó, thịt lợn tươi chiếm thị phần lớn nhất, tiếp đến các loại thịt khác và phụ phẩm gia cầm.