Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng Đường sắt (Bộ GTVT):

Chỉ đường sắt tốc độ cao mới nên đi qua nội đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Luật Đường sắt đã cho phép các ga đường sắt được xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng, đặc biệt là với ga lớn có lợi thế thương mại cao.

Việc VNR được giao quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt, trong đó có các nhà ga là phù hợp. Hiện tại, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã được hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đề án này, từ nay tới năm 2030, VNR vẫn được giao quản lý toàn bộ hạ tầng đường sắt, nhưng không hình thành vốn của doanh nghiệp. Sau năm 2030, kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý như với tài sản công khác. Khi đó, cơ quan quản lý có thể giao VNR, cho thuê, nhượng quyền khai thác, hoặc qua đấu thầu tìm nhà đầu tư.

Chỉ đường sắt tốc độ cao mới nên đi qua nội đô ảnh 1

Ông Trần Thiện Cảnh

Phía VNR cũng phải xây dựng đề án sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó đề xuất và chứng minh được hiệu quả của từng phương thức. Kinh nghiệm các nước cho thấy, cũng có nước giao tài sản cho doanh nghiệp (như Nhật Bản), hoặc một phần thuộc nhà nước, một phần giao doanh nghiệp (như Hàn Quốc). Do đó, VNR phải có đề án và triển khai thí điểm mới đánh giá được có hiệu quả hay không, phương thức nào hiệu quả hơn.

Điều quan trọng với đường sắt hiện nay là phải có nhiều khách đi tàu, khách nhiều mới có doanh nghiệp thương mại vào thuê ga để kinh doanh, buôn bán. Còn khách ít như hiện nay rất khó. Ngay với ga Hà Nội và Sài Gòn, nhiều vị trí cho thuê đã bị trả lại vì ít khách. Tuy nhiên, muốn có khách, đường sắt phải được đầu tư hiện đại hóa nhưng hiện tại, đơn vị lại không biết lấy vốn từ đâu. Đó là vòng luẩn quẩn rất khó cho đường sắt.

Theo quy hoạch, một số đoạn đường sắt và ga trung tâm thuộc đường sắt quốc gia đều có kế hoạch di dời khỏi nội đô và giao lại địa phương sử dụng vào mục đích phát triển đường sắt đô thị hoặc mục đích khác. Cụ thể, tại Hà Nội, đoạn đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên, trong đó có ga Hà Nội, Giáp Bát sẽ được bàn giao cho Hà Nội quản lý sử dụng; đoạn ga Sài Gòn và đất xí nghiệp đầu máy, toa xe cũng di dời bàn giao lại TPHCM; tương tự với ga Đà Nẵng, Nha Trang, phía cuối ga Hải Phòng... Do đó, thời gian tới số ga đường sắt trong trung tâm thành phố không còn nhiều. Hy vọng trong tương lai với đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị mới đi vào khu vực nội đô.

MỚI - NÓNG