Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Khoa học Công nghệ (Bộ Công an), nói như vậy về vai trò của ngành ngoại giao trong bảo vệ Tổ quốc tại Hội thảo “70 năm ngoại giao vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 12/8 tại Hà Nội.
Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo về những thách thức mà Việt Nam nói chung và ngành ngoại giao nói riêng đang phải đối mặt, ông Cương cho rằng, việc mua vũ khí cũng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng nghiên cứu để có đối sách ngoại giao đúng đắn. Theo ông, Việt Nam đã xác định lợi ích quốc gia mới là trên hết. Thiếu tướng Cương cho rằng, Việt Nam nên đặc biệt quan tâm ổn định, phát triển quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ với Mỹ… Theo ông, thúc đẩy quan hệ với Mỹ cũng là phát triển quan hệ với Nhật Bản, với Liên minh châu Âu…
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, cho rằng, chính bước chuyển tư duy từ việc xem Mỹ từ kẻ thù chuyển thành đối tác đã giúp Việt Nam thoát được bao vây cấm vận, dẫn đến hàng loạt thay đổi sau này. Ông Lược cho rằng, nếu Việt Nam lệch lạc trong xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc thì sẽ gặp vấn đề, từ đó ảnh hưởng cả đối nội. “Tôi nghĩ chúng ta đứng giữa hai cường quốc thì chỉ có hai cách: nghiêng hẳn về một phía hoặc cân bằng. Chủ trương của chúng ta là cân bằng”, ông Lược nói.
Đổi mới cần theo kịp hội nhập
Về những thách thức khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, ông Lược cho rằng, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là Việt Nam đã ký đến 15 hiệp định tự do thương mại (FTA) và đang đàm phán 8 FTA, sắp tới có thể tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông cho rằng, có lẽ Việt Nam là một trong những nước ký kết FTA nhiều nhất, nhưng đổi mới bên trong lại không theo kịp.
Ký kết các FTA, Việt Nam phải bỏ các hàng rào phi thuế quan và giảm hàng rào thuế quan xuống dần dần bằng 0. Nghĩa là hàng rào bảo hộ sẽ không còn nữa, và nền kinh tế Việt Nam phải cạnh tranh với các nền kinh tế mà Việt Nam ký FTA. Ông Lược cho rằng, đây không chỉ là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp mà còn có cạnh tranh giữa các chính phủ, giữa các thể chế, trong khi thể chế của Việt Nam còn nhiều bất cập, đổi mới chậm.
“Vừa rồi chúng ta đổi mới thủ tục hải quan, giảm thủ tục hành chính, nhưng những điểm đó chưa phải cơ bản, mà cơ chế xin-cho ở nước ta còn rất nặng nề. Do vậy, tôi cho rằng, chúng ta ký rất nhiều FTA, nhưng đổi mới trong nước chậm. Mà đổi mới chậm như vậy, chúng ta phải dè chừng sẽ thua thiệt”, ông Lược nói.
Ông Lược nói rằng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nên chú trọng ngoại giao công nghệ để cải thiện nền kinh tế thiếu tính sáng tạo. Theo ông, Việt Nam đang nhập rất nhiều loại hàng hóa, nhưng chưa nhập bằng phát minh, sáng chế, trong khi Nhật Bản, Trung Quốc mỗi năm chi hàng tỷ đô la Mỹ nhập bằng phát minh, sáng chế.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng, sau 30 năm Đổi mới, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng khó lường, Việt Nam tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp về đối ngoại. Nhiệm vụ “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” đặt các thế hệ cán bộ ngoại giao hôm nay trước những yêu cầu mới. Những định hướng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng về hội nhập quốc tế, đưa quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, Việt Nam tích cực chủ động trong hợp tác khu vực, nhất là trong ASEAN, và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước cũng phải được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả hơn, với sự đồng thuận rộng lớn hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nói.