Có lẽ không sai khi cho rằng, mỗi năm Tết đến thì phụ nữ là người vất vả nhất. Từ khâu chuẩn bị đón Tết, dọn dẹp nhà cửa đến việc chế biến những bữa ăn thịnh soạn và dự trữ, bảo quản thực phẩm sao cho vẫn giữ được hương vị vốn có khiến không ít các bà nội trợ đau đầu.
Nếu nhìn thấy hình ảnh của bản thân mình như trên, hãy thử áp dụng 3 mẹo sau để thoải mái dự trữ thực phẩm suốt mùa Tết.
1. Phân loại thực phẩm sống và chín
Thực phẩm thường được chia làm ba loại: thực phẩm tươi sống (gia súc, gia cầm, thủy hải sản…), rau củ quả và thức ăn đã được nấu chín. Việc phân loại thức ăn sẽ giúp việc bảo quản đạt kết quả cao, đặc biệt là thực phẩm sống và chín.
Bởi vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm sống có thể lây nhiễm sang thực phẩm chín. Điều này không thể nhận biết bằng mắt thường, vị giác hay khứu giác.
Vì vậy, để đảm bảo sức khoẻ và việc bảo quản thức ăn hiệu quả, tuyệt đối không để chung thịt cá tươi sống với trái cây hoặc đồ ăn chín.
2. Đựng thực phẩm trong túi, hộp, giấy bạc trước khi bỏ vào tủ lạnh
Đầu tiên, nên lựa chọn các túi, hộp có chất lượng để đựng thực phẩm. Nếu sử dụng túi nhựa thì nên mua loại không chứa BPA (có ghi "BPA-free") vì chất này có thể gây ung thư và cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Nếu lựa chọn đựng trong hộp thì nên chọn hộp thuỷ tinh hoặc chất liệu trong suốt để dễ dàng quan sát tình trạng thức ăn.
Một vài gợi ý cho các chị em nội trợ như sau:
- Thịt cá nên phân thành nhiều hộp đủ cho mỗi bữa ăn trước khi cất vào tủ lạnh.
- Thức ăn còn thừa nên đựng trong hộp thủy tinh.
- Các loại mứt chứa nhiều đường sẽ dễ bị chảy nước và nấm mốc. Vì thế nên phủ một lớp đường trắng lên trên trước khi cho vào hộp thuỷ tinh hoặc túi nhựa kín để hút ẩm.
- Các loại rau củ như su hào, cà rốt, súp lơ... nên bỏ lá trước khi cho vào túi nhựa để giữ chúng tươi lâu.
- Các loại thực phẩm gây mùi như phô mai, cá khô, mực khô… nên bọc thật kín trong giấy bạc vừa giữ nguyên độ tươi ngon vừa tránh mùi hôi trong tủ lạnh và ảnh hưởng đến thực phẩm khác.
- Các loại trái cây như đu đủ, lồng mứt, … nên bọc giấy báo sẽ giúp bảo quản chúng được lâu hơn và hạn chế việc tỏa mùi.
3. Điều chỉnh độ lạnh và độ ẩm phù hợp của tủ lạnh
Thực phẩm sống hoặc trái cây nên được để khô ráo trước khi cho vào tủ lạnh để tránh bị khô héo, không tươi ngon.
Bảo quản thực phẩm phù hợp với từng chức năng khác nhau của tủ lạnh:
- Ngăn mát: Thực phẩm sẽ được giữ tươi ngon hơn nếu nhiệt độ tủ lạnh dưới 4 độ C. Vì vậy, mỗi khi chất thêm nhiều rau củ vào, bà nội trợ nên giảm mức nhiệt xuống thấp hơn, nhằm bảo vệ những thực phẩm cũ.
Nơi trong cùng của ngăn mát, phía dưới tủ: Đây là vị trí lạnh nhất trong ngăn mát nên thích hợp bảo quản sữa và các chế phẩm từ sữa.
Gần cửa tủ lạnh: Nhiệt độ khu vực này thay đổi liên tục do việc đóng mở tủ nên thích hợp để chứa những sản phẩm có chất bảo quản (nước trái cây đóng hộp, nước ngọt...), bơ, trứng, mứt, rau củ quả ăn trong ngày...
Ngăn trên cùng trong ngăn mát: Là nơi dành cho những món ăn chỉ cần làm mát như sữa chua, bánh ngọt, đồ tráng miệng, bánh chưng, giò chả...
- Ngăn đá: Nguyên tắc bảo quản thực phẩm tươi ngon là thức ăn nào bỏ vào tủ lạnh trước nên cân nhắc sử dụng chế biến trước.
Các bà nội trợ có thể dán nhãn ghi ngày tháng khi cho vào tủ lạnh trên thức ăn để nhớ hạn sử dụng tốt hơn. Thịt cá cũ nên xếp ra ngoài để dùng trước.
Thực phẩm mới nên để vào sát bên trong ngăn đá, tăng nhiệt độ lên mức cao nhất đến khi đông đá mới hạ xuống mức trung bình.
Bánh chưng nếu không ăn hết trong 3-4 ngày nên để ngăn đá để ngăn ngừa nấm mốc, tuy nhiên có thể khiến phần nếp bị khô nên phải hấp cách thủy hoặc hâm nóng kỹ lưỡng trước khi ăn.