Mask-bot, chiếc đầu bằng nhựa giống hệt mặt con người đầu tiên đã ra đời. Nó là kết quả của việc sử dụng máy chiếu đặt phía sau chiếc mặt nạ nhựa trong suốt, cho hình ảnh 3D của khuôn mặt người thật phản chiếu ngược lại mặt nạ. Như vậy, khuôn mặt sẽ được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm cả góc cạnh phía hai bên khuôn mặt, tạo nên hình ảnh sống động như thật.
Ngoài ra, một chiếc máy tính làm nhiệm vụ kiểm soát giọng nói và nét biểu cảm trên khuôn mặt người thật, tạo hình ảnh phản chiếu cũng có những biểu cảm sống động nhất. Mask-bot có thể di chuyển đầu, chuyển động lông mày, thể hiện nét biểu cảm và thậm chí có thể thực hiện các câu thoại đơn giản.
Các nhà khoa học cho biết, họ đã phát triển công cụ giao tiếp thông minh tích hợp sẵn trong máy tính nhằm lựa chọn những chuyển động và biểu hiện trên gương mặt phù hợp với một âm thanh cụ thể (đơn vị nhỏ nhất là đơn âm).
Công cụ này nhằm sao chép y nguyên các biểu hiện trên khuôn mặt người thật rồi phản chiếu lên Mask-bot. Ngoài ra còn có phần mềm tổng hợp cảm xúc để tạo biểu cảm vui, buồn, hạnh phúc, tức giận…cho Mask-bot.
Theo đánh giá, trong tương lai, Mask-bot sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách thức giao tiếp giữa con người và rô bốt, khi mà những “cỗ máy di động” có thể trò chuyện, tâm sự như một người bạn.
Hiện các nhà khoa học đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển nguyên mẫu thế hệ thứ hai Mask-bot 2, loại rô bốt có thể hiểu, lắng nghe và phản ứng với những yêu cầu của con người một cách chuẩn xác và nhanh nhất.
Được biết, Mask-bot do các nhà khoa học thuộc ĐH Kỹ thuật Munich( Đức) hợp tác với các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Quốc gia( Nhật Bản) nghiên cứu và phát triển. Chi phí để sản xuất mỗi mẫu Mask-bot này khoảng 3.000 Euro.
Gia Bảo
Theo Gizmag