Kiến nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Viwasupco
Để không xảy ra một số sự cố ô nhiễm nguồn nước như vừa qua, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam - SOS (đơn vị trực tiếp tham gia xử lý ô nhiễm dầu tại nguồn nước sông Đà vừa qua) cho biết: Chúng ta phải đặt vấn đề phòng ngừa lên hàng đầu. Chỉ có phòng ngừa mới giảm thiểu được tác hại với cộng đồng, còn khi sự cố đã xảy ra thì ứng phó cũng chỉ giảm thiểu tác động. Với sự cố nhà máy sông Đà, khi được yêu cầu tham gia xử lý, đơn vị đã triển khai hàng loạt màng lọc dầu chuyên dụng, đến nay toàn bộ dầu thải độc hại không còn cơ hội vào trạm bơm nhà máy. Hiện tại, hoạt động ứng phó khẩn cấp đã kết thúc.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, vừa rồi là một hành trình xử lý tình huống, do vậy chúng ta phải có giải pháp phòng ngừa.
“Như tôi đã nói, chúng ta cần có hệ thống quan trắc online tự động và liên tục. Với rủi ro đến từ dầu thải, cần thiết lập và duy trì các màng lọc, không chỉ riêng với nhà máy nước mà với tất cả các cơ sở công nghiệp, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, các điểm rửa xe để kiểm soát ô nhiễm dầu hàng ngày và phòng ngừa chủ động sự cố tràn dầu 24/7”, ông Sơn đề nghị.
TS Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng cũng cho biết: Sau khi sự cố xảy ra tại nhà máy nước sạch sông Đà, đại diện Bộ Xây dựng đã làm việc với các đơn vị có liên quan và có ý kiến:
Thứ nhất là các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Công ty CP nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phải khắc phục, cô lập vùng ô nhiễm, làm sạch đất, cỏ, các khu vực nguồn thải từ kênh mương dẫn vào.
Thứ hai là phải súc xả nhà máy, dừng cung cấp nước. Đối với mạng lưới truyền dẫn phân phối cũng phải dừng, súc xả toàn bộ. Xem nước sông Đà đi đến đâu phải súc xả đến đó, thậm chí đến cả bể nước của các chung cư.
“Chúng tôi cũng đề nghị, Viwasupco phải phối hợp với chính quyền bảo vệ hành lang an toàn nguồn nước. Lắp đặt camera, phát hiện sự cố. Việc lắp hệ thống cảnh báo sớm là giúp phản ứng sớm, sự cố thì dừng ngay, thông báo cho chính quyền, thông báo cho người dân biết, có giải pháp”, TS Trần Anh Tuấn nói.
Đánh giá về cách xử lý và trách nhiệm của đơn vị sản xuất, cung cấp nước trong sự cố vừa qua, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, ông đánh giá cao tỉnh Hòa Bình trong việc sớm khởi tố vụ án, truy tìm đối tượng gây nhiễm bẩn và kiến nghị xây kênh dẫn nước kín để dẫn nước từ sông Đà về nhà máy. Tuy nhiên, ông lại không hài lòng với cách thức xử lý cũng như trách nhiệm của Viwasupco thể hiện trong vụ việc vừa qua.
Theo ông, sự việc xảy ra và công ty biết sớm nhưng thay vì mời các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc công ty lại tự xử lý thủ công là cho người đi vớt váng dầu. Thậm chí khi sự việc xảy ra cả tuần và được báo chí phản ánh, công ty vẫn không dừng cấp nước nhiễm bẩn.
“Tại sao một giám đốc doanh nghiệp, có đủ quyền tự quyết trong tay khi phát hiện ra sự cố lại không có biện pháp ngăn chặn việc cấp nước nhiễm bẩn cho người dân. Việc này về mặt pháp lý thì doanh nghiệp và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và bị xử lí về mặt pháp luật nghiêm minh”, luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Theo Luật sư Bình, chưa cần xét ở mặt đạo đức, nước bị ô nhiễm dầu bẩn nhưng thay vì dừng xả vào đường ống bán cho dân ông lại cho tăng hàm lượng clo để khử mùi khét, việc này chính ông đã làm cho nguồn nước bị ô nhiễm kép.
Kinh doanh nước sạch phải có điều kiện
Đề cập đến các vấn đề ràng buộc giữa đơn vị cung cấp người tiêu dùng, luật sư Diệp Năng Bình nói: Lâu nay mọi người thường cho rằng mối quan hệ giữa Nhà máy nước sạch sông Đà với người dân là mối quan hệ trực tiếp.
Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị chủ quản là Viwasupco đã bán nước cho người dân thông qua một công ty cung cấp nước trung gian khác, do đó người dân đang kí hợp đồng với đơn vị cung cấp nước trung gian nên về pháp lý người dân ký hợp đồng với đơn vị nào thì phải yêu cầu đơn vị đó bồi thường thiệt hại. Điều này cũng làm cho việc thu thập chứng cứ để bồi thường thiệt hại cho người dân và quy trách nhiệm cho đơn vị cung cấp nước gặp những khó khăn.
TS Trần Anh Tuấn cũng nêu quan điểm, do liên quan cuộc sống hằng ngày của người dân và có tính an toàn, thậm chí là an ninh cao nên việc cung cấp nước sạch phải được xem là “dịch vụ công” và là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như kinh doanh điện, xăng dầu, khí đốt… Mọi hoạt động từ sản xuất đến cung cấp nước ra thị trường phải có sự giám sát chặt của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo TS Trần Anh Tuấn, nước là một loại thực phẩm đặc biệt có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, và không thay thế. Trước đây, Nghị định của Chính phủ quy định đây là dịch vụ công và quản lý sản xuất, cung cấp ra thị trường chủ yếu là các đơn vị công ích. Bây giờ do cổ phần hóa thì nhiều đơn vị công ích, quản lý nhà nước đã không còn quản lý một số đơn vị sản xuất, cung cấp nước nên thay vào đó là tư nhân.
“Theo tôi, vấn đề này cần xem xét lại. Cổ phần hóa là chủ trương đúng, giúp giảm được vốn đầu tư công, minh bạch, nhưng đối với ngành cấp nước thì lại có nhiều hạn chế. Vì khi quản lý đã thuộc về doanh nghiệp thì mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp quan tâm phải là lợi nhuận, do vậy các mục tiêu khác trong đó có an sinh an toàn xã hội đang được xếp sau”, ông Tuấn nêu thực tế.
Hơn nữa, ông Tuấn cũng cho hay, các văn bản quy định về cấp nước mới dừng ở nghị định, chưa thành luật, nếu có trong các luật thì cũng có một phần thôi. Do vậy, mục tiêu an sinh xã hội chưa phải là mục tiêu đầu tiên. Theo ông, nội dung sản xuất, cung cấp nước phải có điều kiện cần được đưa thành luật để có khung pháp lý, vận hành quản lý tốt hơn, tránh những sự cố và lúng túng như hiện nay.
Theo TS Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng do liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân và có tính an toàn, thậm chí là an ninh cao nên việc cung cấp nước sạch phải được xem là “dịch vụ công”… Mọi hoạt động từ sản xuất đến cung cấp nước ra thị trường phải có sự giám sát chặt của cơ quan quản lý nhà nước.