Cháy nổ, chủ bãi xe chịu trách nhiệm

Nhiều phương tiện ô tô, xe máy được nhồi nhét tại các gầm cầu vượt
Nhiều phương tiện ô tô, xe máy được nhồi nhét tại các gầm cầu vượt
TPO – Sau khi Tiền Phong đề cập nội dung an toàn cháy nổ tại các bãi xe dưới gầm cầu vượt, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho rằng, chủ bãi xe chịu trách nhiệm việc này.

> Sở GTVT Hà Nội né phóng viên
>“Bom” nằm ở gầm cầu vượt

Nhiều phương tiện ô tô, xe máy được nhồi nhét tại các gầm cầu vượt
Nhiều phương tiện ô tô, xe máy được nhồi nhét tại các gầm cầu vượt. Ảnh: Minh Đức

Ngày 13-1, báo Tiền Phong đăng bài 'Bom" nằm ở gầm cầu vượt, phản ánh hiện tượng ô tô, xe máy đột nhiên bốc cháy, diễn ra nhiều nơi trên toàn quốc, chưa có cơ quan nào tìm nguyên nhân, cũng như biện pháp ngăn chặn.

Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải GTVT Hà Nội, đề nghị cung cấp thông tin, nhưng ông Hùng cho biết không làm việc qua điện thoại.

Ngày 14-2, báo Tiền Phong có công văn số 28/CV-TP 2012, gửi ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đề nghị cung cấp thông tin về vấn đề trên.

Ngày 16-3, trong công văn trả lời , Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Các đơn vị được cấp Giấy sử dụng tạm thời hè, đường, phố, gầm cầu để đỗ xe ô tô đều phải có phương án phòng cháy chữa cháy được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận. Định kỳ, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và xử lý nếu vi phạm.

Hiện nay, các đoàn liên ngành thành phố đang thực hiện công tác tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm tại những điểm đỗ xe trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đô thị về thu quá giá, thuế và các quy định về phòng cháy nổ. Nếu để xảy ra cháy nổ thì trách nhiệm thuộc đơn vị được cấp phép điểm đỗ xe.

Gầm cầu biến thành nơi tập kết hàng hóa hàn xì mà không thấy ai kiểm tra
Gầm cầu biến thành nơi tập kết hàng hóa hàn xì từ nhiều tháng nay. mà không thấy ai kiểm tra.

Trước đó (ngày 12 - 1), phóng viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói, đó là trách nhiệm của thành phố Hà Nội. “Tôi sẽ lưu ý và sẽ nói với anh Hùng (ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội). Tôi phải xem có trong quy hoạch hay không. Nếu nằm trong quy hoạch xây dựng, nó phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý đô thị, cũng như phòng chống cháy, nổ… và các điều kiện quản lý”. 

Đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội cho biết, thực tế, các bãi đỗ xe ở gầm cầu chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy, mà chỉ có phương tiện chữa cháy cá nhân. 

Theo quan sát của phóng viên, chiều 20-3, tại khu vực gầm cầu vượt Thanh Trì còn biến thành xưởng hàn, tập kết vật liệu, hàng hóa...

Tại điểm 4, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB, 1-7-2009), quy định: Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại một số vị trí, trong đó có vị trí trên cầu, gầm cầu vượt.

Điểm 1, Điều 16, Chương 5, Nghị đinh 11 Chính phủ (Số: 11/2010/NĐ-CP) quy định giới hạn hành lang an toàn đối với cầu trên đường trong đô thị.

Theo chiều dọc cầu tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên: 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét trở lên, 30 mét đối với cầu có chiều dài dưới 60 mét;

Theo chiều ngang cầu, đối với phần cầu chạy trên cạn kể cả phần cầu chạy trên phần đất không ngập nước thường xuyên được tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra mỗi bên 07 mét;

Tại các nút giao thông đô thị, các cầu vượt, hầm chui và cầu dành cho người đi bộ qua đường theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại điều 17, Nghị định 34/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, không theo đúng thiết kế đã được duyệt.

Theo Viết
MỚI - NÓNG