Cháy nhà máy may, ít nhất 112 người chết

Cháy nhà máy may, ít nhất 112 người chết
TP - Hôm qua, giới chức cứu hỏa Bangladesh thông báo, ít nhất 112 công nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tối 24-11 tại nhà máy may Tajrin ở ngoại ô thủ đô Dhaka. Theo một số báo địa phương, số nạn nhân là 124.

> Vụ cháy kinh hoàng khiến hơn 120 người chết
> Xử lý kẻ gây ra vụ đốt, chém kinh hoàng 6 chị em

Xử lý đám khói cuối cùng trong nhà máy sáng 25-11. Ảnh: AP
Xử lý đám khói cuối cùng trong nhà máy sáng 25-11. Ảnh: AP.

Tính đến sáng 25-11, cảnh sát và lính cứu hỏa đưa khỏi nhà máy ở khu công nghiệp Ashulia tổng cộng 112 xác chết, xếp thành dãy ở một trường học gần đó.

Số người thiệt mạng có thể còn tăng vì việc tìm kiếm công nhân mắc kẹt vẫn tiếp diễn và một số người nhảy từ tầng cao xuống bị thương rất nặng.

Nhiều công nhân công ty Tazreen Fashions thiệt mạng vì nhảy từ trên cao xuống hoặc bị giẫm đạp trong đám đông hỗn loạn tìm cách thoát thân, ông Ziaur Rahman, quan chức lực lượng phòng cháy chữa cháy Bangladesh, cho biết.

Đám cháy khởi phát từ kho bông ở tầng 2 quãng 7 giờ tối, rồi nhanh chóng lan sang các tầng khác trong tòa nhà 8 tầng. Sau đó, có tới 69 thi thể cháy đen được tìm thấy ở tầng hai.

Sau khi hỏa hoạn xảy ra, khoảng 3.000 công nhân thoát ra ngoài, còn trên dưới 1.000 người bị mắc kẹt, trong đó nhiều người trèo lên nóc tòa nhà đã được giải cứu, ông Rahman nói.

Sabina Yasmine cho biết bà đã nhìn thấy thi thể con dâu, nhưng chưa thấy dấu vết con trai (cũng là công nhân nhà máy).

“Lạy thánh Allah, con trai tôi đâu? Tôi muốn chủ nhà máy bị treo cổ. Vì ông ta mà bao người phải chết”, bà Yasmine kêu lên.

Đau đớn đến nhận xác người thân cháy đen
Đau đớn đến nhận xác người thân cháy đen.

Một quan chức cứu hỏa khác là Thiếu tá Mohammad Mahbub nói rằng, nhà máy không có lối thoát hiểm dẫn ra ngoài tòa nhà.

“Nhà máy có ba cầu thang, tất cả đều dẫn xuống tầng dưới cùng. Vì vậy, công nhân không thể thoát ra ngoài khi đám cháy bao trùm tòa nhà. Giá như có ít nhất một lối thoát hiểm ra bên ngoài nhà máy, con số thương vong sẽ giảm đáng kể”, ông Mahbub nói.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina nói rằng ông bị sốc trước thực tế quá nhiều người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn và yêu cầu tiến hành chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn một cách toàn diện. Cảnh sát địa phương cho rằng, nguyên nhân vụ cháy có thể là do chập điện.

Hỏa hoạn thường xảy ra ở các nhà máy dệt may của Bangladesh. Hồi tháng 12-2010, tại một nhà máy may khác ở cùng khu công nghiệp Ashulia, hỏa hoạn do trục trặc dây dẫn điện gây ra khiến 25 người chết. Năm 2007, hơn 50 công nhân thiệt mạng trong vụ cháy nhà máy may ở thành phố Chittagong.

Bangladesh là một trong những nước xuất khẩu hàng may mặc lớn trên thế giới, có 3 triệu công nhân may (90% là phụ nữ) làm việc hơn 4.000 nhà máy may, chủ yếu gia công cho nước ngoài, với các thương hiệu như Wal-Mart, JC Penney, H&M, Marks & Spencer, Carrefour, Tesco… Bangladesh mỗi năm kiếm được khoảng 20 tỷ USD từ xuất khẩu hàng may mặc, chủ yếu sang Mỹ và châu Âu.

Hồi tháng 9, hỏa hoạn xảy ra tại một nhà máy dệt ở Pakistan, khiến 289 công nhân thiệt mạng, 110 người bị thương.

Gia Tùng
Theo Xinhua, AP, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.