Chạy đua với dịch

Lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh. Ảnh: Quân Nguyễn
Lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh. Ảnh: Quân Nguyễn
TP - “Phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn”, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/2.

Hỗ trợ tối đa, kiểm soát dần các ổ dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn…

Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu. Ngay lập tức Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai: Điều Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sang hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm của Gia Lai từ 200 mẫu /ngày lên 1.000 mẫu; Ngoài ra, Bộ Y tế cũng điều chuyên gia của Viện Pasteur TPHCM lên thiết lập thêm 1 labo xét nghiệm tại Gia Lai để nâng công suất xét nghiệm tại đây. Đồng thời đề nghị ngành y tế Đà Nẵng điều động ngay đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng lên hỗ trợ Gia Lai về công tác truy vết. Sáng 3/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy vào hỗ trợ tỉnh Gia Lai. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện 2 nguồn lây nhiễm đã từng bước được kiểm soát do xác định trúng tâm dịch ngay từ đầu, triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp chống dịch. Dự báo, ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong thời gian tới. Bộ Y tế tiến hành triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với các công ty, khu vực trọng điểm và toàn bộ cộng đồng dân cư ở các điểm có nguy cơ cao. Cả nước đang có 94 phòng xét nghiệm có đủ năng lực khẳng định với công suất hơn 42.000 mẫu/ngày.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Hải Dương đã khoanh vùng được, kiểm soát tốt dịch COVID-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, số lượng ca dương tính chưa thể dừng lại tại đây vì hiện nay vẫn còn khoảng 124 ca F1. “Cố gắng đến 28 Tết, Quảng Ninh khoanh vùng được dịch bệnh; đồng thời, cố gắng không có bệnh nhân chuyển biến nặng, không có bệnh nhân tử vong do COVID-19”, bà Hạnh nói.

Hà Nội nâng cao 1 mức phòng chống dịch

Tại cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, Hà Nội đã ghi nhận 21 ca dương tính mắc ngoài cộng đồng. Trong đó đáng lo ngại nhất ca công chứng viên mắc COVID-19 (đã xác định được 22 trường hợp F1) có lịch trình di chuyển khá phức tạp, đến cả một số địa phương khác. Hiện Hà Nội đang đẩy mạnh điều tra, xét nghiệm. Tổng số 653 F1 đều đã được xét nghiệm (trừ số 22 F1 phát hiện mới ngày 2/2), tất cả F1 đều được cách ly tập trung. Hà Nội cũng tiến hành giám sát chặt chẽ các trường hợp F2 cách ly tại nhà… Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ 17.752 người về từ Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1/11 và người về từ các khu vực có ổ dịch tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 5/1, trong đó phát hiện 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngành Y tế Thủ đô đang tiếp tục khẩn trương khoanh vùng, điều tra, truy vết các trường hợp mắc bệnh và những người có liên quan để lấy mẫu sớm nhất, đồng thời tiến hành công tác phong tỏa phù hợp để không ảnh hưởng rộng.

Thêm 28 ca lây nhiễm cộng đồng

Ngày 3/2 Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có thêm 28 ca COVID-19 lây nhiễm cộng đồng. Trong đó tỉnh Hải Dương có 16 bệnh nhân là công nhân tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.  Quảng Ninh có 4 ca là 4 F1 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tại Gia Lai thêm 5 trường hợp, trong đó 3 người là F1 liên quan ổ dịch Công ty POYUN, tỉnh Hải Dương; 1 ca bệnh đang được điều tra dịch tễ và 1 bệnh nhân là F1 liên quan ổ dịch huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Tại Bình Dương 2 bệnh nhân đều là F1 của BN1843, BN1801 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Ông Chử Xuân Dũng cho biết, hiện Hà Nội đã nâng cao hơn một mức công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Theo đó yêu cầu các nhà hàng, karaoke, quán bar, vũ trường, quán game… tạm dừng hoạt động; hạn chế các lễ hội, hoạt động tập trung đông người trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Yêu cầu tất cả các địa phương rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; đồng thời tập trung xét nghiệm các ca F1, F2 trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bằng kinh nghiệm “bắt kịp, truy vết kịp” trong những đợt chống dịch trước đây, toàn lực lượng nỗ lực rút ngắn thời gian truy vết sớm hơn 1 tuần (từ 11 ngày, giảm xuống còn 3 ngày) so với đợt chống dịch ở Đà Nẵng. “Chúng ta đã chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút. Nhờ nỗ lực đó đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của tất cả các cơ quan chuyên môn và địa phương, ổ dịch ở Vân Đồn đã kiểm soát được, ổ dịch ở Chí Linh đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt. Hà Nội vì vậy đã cơ bản kiểm soát được nguồn từ ổ dịch Chí Linh”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nêu rõ: “Muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Một trong những biện pháp sẵn sàng là phải khai báo y tế. Các doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông sẽ nhắn tin cho các thuê bao đi từ vùng dịch ra yêu cầu phải khai báo y tế. Trường hợp nào cố tình không khai báo y tế sau khi đã có khuyến cáo sẽ bị từ chối dịch vụ.

Lây nhiễm chủ yếu do không đeo khẩu trang

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 cho biết, về đặc điểm tình hình đợt dịch này, các trường hợp lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc gần (tiếp xúc trong gia đình, không gian kín); chu kỳ xoay vòng nhanh (3-4 ngày); tải lượng virus cao khiến virus lây nhanh hơn, nồng độ virus mạnh hơn. Đáng chú ý các trường hợp lây nhiễm đều không đeo khẩu trang. Trước nhận định của các chuyên gia “đeo khẩu trang cơ bản vẫn là biện pháp an toàn nhất để phòng, chống dịch bệnh”, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, tất cả các địa phương kiên quyết xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn bà con nhân dân trong vùng dịch nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đón Tết Nguyên đán an toàn. “Muốn làm được điều đó, phải thần tốc hơn nữa, rút ngắn thời gian bắt kịp dịch”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.