Chạy đua đến kỳ thi tốt nghiệp

Chạy đua đến kỳ thi tốt nghiệp
Một tháng nữa các môn thi tốt nghiệp THPT sẽ được chính thức công bố. Song kể từ sau tết, các trường đã bắt đầu “chạy đua” với các hoạt động ôn tập, đặc biệt là hoạt động “vực dậy” học sinh (HS) yếu kém.

> Thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012

Giờ học phụ đạo của học sinh lớp 12A2 Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú TP.HCM vào chiều 29-2. Ảnh: N.Hùng
Giờ học phụ đạo của học sinh lớp 12A2 Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú TP.HCM vào chiều 29-2. Ảnh: N.Hùng.
 

Một số trường THPT tại TP.HCM cho biết năm nay số HS yếu kém tăng, nên các hoạt động ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đều ưu tiên và dành nhiều thời lượng hơn cho các em này.

Tại Trường THPT Tân Phong, Q.7, nhà trường đã mở thêm lớp phụ đạo dành riêng cho HS yếu, cắt cử các giáo viên giỏi phụ trách lớp này suốt học kỳ I nhằm bổ trợ kiến thức cho HS.

Dốc sức rèn HS yếu

Ông Phạm Văn Tiến, hiệu trưởng nhà trường, cho biết do trường có đầu vào thấp, đối tượng HS rải rác ở tất cả quận huyện nên việc sắp xếp lịch ôn tập rất khó khăn. Nếu các trường khác thường tổ chức ôn tập, phụ đạo vào các buổi tối trong tuần, Trường THPT Tân Phong chỉ có thể duy trì các lớp ôn tập đến 18g hằng ngày do đặc thù HS ở xa trường.

Hiện HS khối 12 được xếp lịch học: sáng chính khóa, chiều tăng tiết. Theo kế hoạch ôn thi tốt nghiệp của trường, đến cuối tháng 3 khi các môn thi tốt nghiệp THPT được công bố, trường sẽ tách riêng HS yếu để ôn tập tối đa nhằm nâng cao tỉ lệ đậu tốt nghiệp của trường.

Bám sát chuẩn kiến thức

Trước băn khoăn của nhiều học sinh lớp 12 về kinh nghiệm ôn thi, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy cô giáo bám sát chuẩn kiến thức - kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 để tổ chức ôn tập cho học sinh và tài liệu chủ yếu để ôn tập là SGK.

Tại Cần Giờ, cô Phan Thị Mỹ Linh, hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh, cũng than thở: “Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, trường đã lọc ra các HS yếu kém của từng môn để tăng tiết, tổ chức dò bài, tuy nhiên giáo viên gặp không ít khó khăn do địa bàn ngoại thành, các em vì hoàn cảnh nên bữa học bữa nghỉ, có em học chậm, ít tiến bộ. Số HS yếu năm nay cũng khá cao. Giáo viên phải nhắc nhở, vận động liên tục, tổ chức phụ đạo các môn chủ lực và kiểm tra nghiêm ngặt”.

Trong khi đó, một giáo viên bộ môn một trường THPT tại Thủ Đức cho biết: “Kết quả kiểm tra khối 12 học kỳ I cho thấy 20% HS loại trung bình, khoảng 15% loại yếu. Từ đó, nhà trường đề ra kế hoạch ôn tập sát sao cho những em này, ôn tập cả trong giờ chính khóa, trong giờ truy bài và các giờ phụ đạo trái buổi. Kể từ sau tết, giáo viên từng bộ môn phải lập danh sách HS trung bình và yếu để theo dõi và phụ đạo, cũng như chịu trách nhiệm về sự tiến bộ của các em này. Áp lực rất nặng lên cả cô lẫn trò”.

Các trường dân lập, tư thục như Thăng Long (Q.5), Lạc Hồng (Q.12), Thành Nhân (Q.Tân Phú), Hoàng Diệu (Q.Tân Bình)... đều có kế hoạch kiểm tra định kỳ theo từng tuần hoặc từng tháng, để phát hiện các lỗ hổng kiến thức của HS và có kế hoạch “trám” lỗ hổng theo từng môn cụ thể. Tại Trường THPT Thành Nhân, các lớp dành cho HS yếu còn được tách đôi hoặc ba, chỉ còn khoảng 10 em/ lớp và cắt cử giáo viên giỏi phụ đạo vào buổi tối.

Mở lớp... “chống trượt”

Thầy Đặng Việt Hà, hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo - Hà Nội, cho biết: “Đầu tháng 3 trường sẽ tổ chức một lớp học riêng cho những HS đặc biệt yếu kém. Trước đó trường sẽ mời phụ huynh họp, thông báo kết quả học tập của các em và giao cho một cô giáo phụ trách riêng lớp học đặc biệt này. Khi chưa thông báo các môn thi tốt nghiệp, HS sẽ được phụ đạo các môn toán, văn, ngoại ngữ.

Sau đó sẽ được phụ đạo cả sáu môn. Hiện nay đã giao cho các tổ bộ môn soạn đề cương, giáo trình dành riêng cho lớp đó. Đối với trường có đầu vào thấp như Trường Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, việc phụ đạo cho HS yếu kém để chuẩn bị thi tốt nghiệp là một hoạt động quan trọng. Đỗ 100% là khó, nhưng đó là cách tốt nhất để có số thí sinh trượt ít nhất”.

Kinh nghiệm tổ chức “lớp học đặc biệt” được nhân rộng ở một số trường THPT khác ở tại Hà Nội như một giải pháp mạnh để “chống trượt”. Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, ở trường này hiệu trưởng trực tiếp chủ nhiệm lớp, giáo viên đảm nhiệm các môn học chính đều là giáo viên nhiệt tình, có kinh nghiệm trong việc bù đắp lỗ hổng kiến thức cho HS.

Những năm trước, trường có những HS bị hổng kiến thức hầu hết các môn thi tốt nghiệp nhưng vẫn vượt qua kỳ thi. “Không phản đối việc “phân loại HS”, nhiều phụ huynh có con không phải trong diện yếu, kém cũng chủ động xin cho con vào lớp học này” - cô Nhiếp cho biết.

Thầy Nguyễn Quốc Thắng, hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng - Hà Nội, cũng cho biết sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp tổ chức lớp “chọn ngược”: lớp có sĩ số khoảng 30 HS, được chọn từ 14 lớp 12 của trường, thuộc diện bị hổng kiến thức, bắt đầu học từ đầu tháng 2-2012. “Trường chỉ phải đặc biệt chú ý tới 20% HS ở cuối, còn lại 80% HS các em có thể tự lo được” - thầy Thắng giải thích.

Theo lãnh đạo một số trường THPT dân lập tại Hà Nội, các trường đang cố gắng “chạy” cho hết chương trình, để dành thời gian cho HS ôn tập. Quy định của Bộ GD-ĐT là “không được cắt xén chương trình, hay dạy dồn không đúng phân phối chương trình”, nhưng các trường đều giải thích “thời gian học của trường ngoài công lập dài hơn nên đủ cho các trường kết thúc chương trình học sớm”.

Còn ở Trường THPT Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương cho biết: “Nếu thực hiện đúng quy định không dạy dồn, không cắt xén chương trình thì tháng 5 HS mới kết thúc chương trình. Để các em không bị áp lực ôn thi dồn dập, nhà trường có kế hoạch ôn tập các môn toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ từ học kỳ II.

Phần lớn HS lớp 12 của trường thi đại học khối A nên việc ôn tập các môn trên giúp củng cố kiến thức cho HS để vừa thi tốt nghiệp vừa thi đại học. Tháng cuối trước mùa thi, HS chỉ phải dành thời gian ôn tập các môn chưa công bố.

Theo Vĩnh Hà – Đặng Ngọc – Lưu Trang
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.