Sáng 29/3, thảo luận về báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, ông Đỗ Văn Thường, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn chạy chức, chạy quyền đang đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
“Vì sao người ta lại thích chạy và vì sao người ta chạy được? Đây là câu hỏi lớn, mà nhiều nhiệm kỳ qua chúng ta chưa có lời giải đáp, gây bức xúc cho người dân”, ông Đương nói.
Theo ông Đương, chạy chức, chạy quyền không chỉ tạo ra rất bất công trong xã hội, mà còn đẻ ra tham nhũng.“ Họ đã bỏ tiền ra mua bán, chạy chức, chạy quyền thì sau này chắc chắn sẽ phải tìm cách vơ vét để bù lại chi phí”, ông Đương phản ánh.
Ông Đương cũng bày tỏ sự không hài lòng là khi nói đến vấn nạn chạy chức, chạy quyền, nhiều ý kiến lại cho rằng, đó là vấn đề nhạy cảm, phức tạp để rồi lảng tránh. Theo ông Đương, càng nhạy cảm, phức tạp thì càng phải nói, bởi chạy chức, chạy quyền ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, phải kiên quyết xử lý.
“Một cơ thể đầy “virut chạy” như thế mà không bắt uống thuốc thì nguy hại vô cùng. Chúng ta không thể chờ sự tự giác uống đâu mà phải bắt uống, kẻo không lại kích thích “virut tham nhũng” phát triển thì nguy lại lắm”, ông Đương cảnh báo.
Theo ông Đương, để chống chạy chức, chạy quyền, khi xây dựng Bộ Luật hình sự (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đã đề nghị đưa hành vi mua chức, mua quyền vào để xử lý nhưng rồi không được chấp nhận. “Nếu mà cứ nói nhiều quá, không chống được thì dân nghe lại bảo: “Các ông nói nhiều quá nhưng chẳng xoay chuyển được tình hình gì cả nên tốt nhất là đừng nói nữa”, ông Đương nói.