Ấn tượng mọi người khi về “châu xưa” (tên gọi khác chỉ Bắc Sơn), đời sống nhân dân nơi đây đã thay da, đổi thịt với những dãy nhà cao tầng san sát nơi thị tứ. Ở những làng quê yên bình, vẫn còn hiện hữu các nếp nhà sàn cổ thấp thoáng sau rặng cây xanh và thửa ruộng lúa nước. Đồng bào các dân tộc huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cũng như tổ chức kinh doanh gắn với các mô hình dịch vụ cộng đồng.
Mùa vàng Bắc Sơn
Nhiều du khách trong nước và quốc tế sau khi đi khảo sát, thăm thú họ ngỡ ngàng vì không ngờ Bắc Sơn lại đẹp và mới lạ, hấp dẫn đến vậy. Bởi ngoài việc thưởng thức vị ngọt ngào, mát, bổ dưỡng của quả quýt vàng đặc sản địa phương, mọi người còn được “ngắm lúa vàng và mây trôi bồng bềnh” trên đỉnh Nà Lay, thung lũng Bắc Sơn lung linh, huyền ảo, ngay cả khi lúa đã gặt hết.
Bắc Sơn có điểm đặc biệt là thung lũng trong thung lũng. Càng đi sẽ càng bị hút vào những điểm đến kỳ bí, đẹp đến ngỡ ngàng và càng yêu Bắc Sơn hơn. Trong đó là bạt ngàn tươi sáng của quýt vàng lúc lỉu trên cành khi chín rộ.
Cùng với việc mở rộng diện tích cây quýt, việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm quýt vàng đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật trong đó chính là phát triển cây quýt vàng theo hướng VietGAP. Với sự hỗ trợ của nhà nước và sự vào cuộc của người dân, đến nay, diện tích quýt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện đạt trên 150 ha.
Ông Dương Công Thầm, giám đốc hợp tác xã cây ăn quả xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có gần 27ha cây quýt đã cho thu hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi tham gia sản xuất theo mô hình VietGap, sản lượng cũng như giá trị kinh tế của quả quýt cao hơn rõ rệt. Những năm gần đây, sản lượng quýt của hợp tác xã đạt khoảng 185 tấn, cao gấp 1,5 lần so với việc trồng và chăm sóc truyền thống.
Ở xã Chiến Thắng (Bắc Sơn) cũng nhân rộng mô hình Vũ Sơn. Ông Dương Công Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng thông tin: Hiện nay trên địa bàn xã có gần 100 ha quýt, trong đó có 60 ha đã cho thu hoạch, diện tích trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 35 ha. Trung bình các hộ trồng quýt trên địa bàn có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng, một số hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Cùng với đó, nhiều xã khác trên địa bàn huyện đã nâng cao thu nhập từ quýt vàng. Hằng năm, doanh thu trung bình từ quýt đạt trên 45 tỷ đồng.
Du lịch cộng đồng
Nhận xét về tiềm năng, thế mạnh của Bắc Sơn, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Bước đầu huyện Bắc Sơn đã hình thành 3 điểm du lịch: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, suối Mỏ Mắm và vườn quýt Hang Hú. Đây là những sản phẩm nổi trội nhất của Bắc Sơn và cũng là sản phẩm mới của tỉnh Lạng Sơn. Các điểm du lịch đã và đang phát triển theo hướng có trọng tâm, trọng điểm”.
Dịp kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Bắc Sơn, tại địa phương diễn ra các hoạt động: Hội thảo khoa học về khởi nghĩa Bắc Sơn; hoạt động hành hương về nguồn, thăm các di tích lịch sử cách mạng gắn với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn; chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể thao, hội trại thanh niên.
Vườn quýt Hang Hú (xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn) là một điểm nhấn nổi bật nhất trong việc kết hợp giữa phát triển quýt gắn với du lịch. Ông Hoàng Quang Phiệt, chủ vườn quýt Hang Hú cho biết: Cây quýt được trồng ở Hang Hú từ năm 1986. Nhận thấy những điều kiện phù hợp cho việc đón khách du lịch như: cây quýt cổ to, sai quả, địa hình, phong cảnh đẹp nên năm 2017, gia đình đã mở dịch vụ đón khách vào tham quan vườn quýt.
Phó chủ tịch UBND xã Chiến Thắng Dương Công Vượng thông tin thêm: Lượng khách du lịch tham quan vườn quýt tăng đều qua từng năm. Nếu như năm đầu tiên mở cửa, vườn quýt thu hút trên 6.000 lượt khách thì năm 2019 lượng khách tham quan đạt trên 12.000 lượt. Khách tham quan, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ đã giúp các gia đình tăng thêm thu nhập. Nếu như trước năm 2017, mỗi năm vườn quýt thu về từ 200 đến 250 triệu đồng, thì từ năm 2017 đến nay, thu nhập tăng 1,5 lần. Không chỉ tăng giá trị từ kết hợp trồng quýt với phát triển du lịch, việc tổ chức đón khách tham quan còn góp phần quảng bá sản phẩm quýt vàng của quê hương...
Quýt vàng Bắc Sơn. Ảnh: Doãn Tuấn
“Cùng với vườn quýt Hang Hú, trên địa bàn huyện cũng đã bước đầu hình thành một số vườn quýt đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm như vườn quýt tại các xã: Chiến Thắng, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn…. Mặc dù lượng khách chưa nhiều như ở vườn quýt Hang Hú song nó mở thêm hướng trồng quýt gắn với du lịch”. Ông Vượng nói.
Là ông chủ của danh thắng suối Mỏ Mắm (xã Chiến Thắng), anh Dương Công Hành cho biết, dòng suối Mỏ Mắm chảy quanh co từ dãy núi đại ngàn quê hương nên nước trong, sạch, mát lành và còn vẻ đẹp nguyên sơ nên thu hút khách.
“Từ ngoài suối vào sâu trong hang chừng 500m, tôi chia làm hai khu vực riêng biệt để vừa đảm bảo các dịch vụ phục vụ cho du khách, vừa bảo tồn tính nguyên vẹn của tài nguyên và môi trường sinh thái xung quanh. Bên bờ suối, những chiếc chòi ngắm cảnh lợp lá được dựng lên, xen kẽ những bụi hoa nở rộ sẽ là lựa chọn lý tưởng cho du khách để thưởng trà, cà phê và ngắm suối. Tại đây, du khách thư thái ngắm hoa, phong cảnh và được cung cấp dịch vụ tắm suối, bể bơi, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi cho trẻ em”. Anh Hành hào hứng giới thiệu.
Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn chia sẻ: Bắc Sơn là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, với hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phong phú và đa dạng. Giữa năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc tập trung phát triển du lịch huyện Bắc Sơn giai đoạn 2016- 2020.
Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng tổ chức 3 không gian du lịch tập trung của tỉnh là: Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), du lịch biên giới, cửa khẩu, thành phố Lạng Sơn và huyện Bắc Sơn. Trước mắt quan tâm phát triển huyện Bắc Sơn trở thành khu du lịch tập trung về cảnh quan, sinh thái- lịch sử, về nguồn...