Châu về hợp phố!

Châu về hợp phố!
TP - Ngày 26/6, gia đình ông Phan Thuận An đã trao cho đại diện Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam tờ châu bản ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15/2/1939), có nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Gia đình ông Phan Thuận An đã trao cho đại diện Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam tờ châu bản- dưới sự chứng kiến của lãnh đạo chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, đại diện Hội Khoa học Lịch sử và các cơ quan văn hóa tỉnh, thành phố Huế, nhằm mục đích khai thác, sử dụng phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nghi lễ bàn giao được tổ chức trang trọng.

Châu về hợp phố! ảnh 1
Tờ châu bản được phóng to treo trang trọng ở phủ thờ Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn - Công chúa Ngọc Sơn.  Ảnh bên phải là Ngự tiền văn phòng tổng lý Phạm Quỳnh, ảnh bên trái là vua Bảo Đại, người ký chuẩn y tấu trình của Ngự tiền văn phòng

Từ tờ châu bản triều Nguyễn

Tôi đến thăm nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở phủ thờ Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn - Công chúa Ngọc Sơn. Gần đây độc giả lại biết đến Phan Thuận An khi ông công bố trên báo chí bản gốc tờ châu bản triều Nguyễn có giá trị như một cứ liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tờ châu bản ông Phan Thuận An tìm thấy trong các ngăn tư liệu của gia đình cũng là điều dễ hiểu. Vì đây là tư dinh của cụ Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng tạo lập cho con trai là Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn.

Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn là con quan văn nhưng theo võ nghiệp, cuối đời là quan nhất phẩm, giữ chức Trung quân đô thống, chức vụ cao nhất trong ngạch võ quan triều đình. Hiện ngôi từ đường do người cháu nội của ông Nguyễn Hữu Tiễn là chị Nguyễn Thị Sương cùng chồng là nhà Huế học Phan Thuận An quản lý.

Đó là tờ trình của Ngự tiền văn phòng được vua Bảo Đại phê duyệt ngày 27/12/1939 với nội dung: Ngày 10/2/1939, Khâm sứ Pháp tại Trung kỳ có đề nghị Nam triều thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong “việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”.

Ngày 15/2/1939, Tổng lý Ngự tiền văn phòng, lúc đó là ông Phạm Quỳnh, dâng lên vua Bảo Đại bản tấu xin nhà vua duyệt y, và nhà vua đã châu phê chuẩn y. Chi phí về khen thưởng (cấp huy chương) do Tòa Khâm sứ Trung kỳ đài thọ.

Trong câu chuyện với nhà nghiên cứu Phan Thuận An chúng tôi chợt nghĩ triều Nguyễn chắc là có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, tờ châu bản, sắc phong có nội dung tương tự.

Ngày trước, châu bản được lưu trữ ở tòa nhà Đông Các, về sau các sử quan của Quốc Sử Quán triều đình lấy đó làm tư liệu chính thống để biên soạn các bộ Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển... Nhiều nội dung trong các tờ châu bản được trích dẫn đầy đủ, kèm theo là hiệu đính, chú giải, bình luận của các sử quan.

Trong bộ Đại Nam thực lục có một số trang nói về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện, châu bản triều Nguyễn theo như tôi biết, đang được bảo quản tại  Trung tâm lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội (trước năm 1975 lưu trữ ở Sài Gòn).  Thiết nghĩ, có ai đó được phép khai thác kho châu bản này chắc chắn sẽ tìm thấy khá nhiều văn bản nói về Hoàng Sa, Trường Sa - tương tự như tờ châu bản mà ông Phan Thuận An mới công bố.

Đến “châu về hợp phố”

Tàng Thư Lâu tọa lạc trên một đảo nhỏ giữa hồ Hải Học, chung quanh có tường gạch bao bọc, mặt tiền hướng tây, nhìn ra hồ Tĩnh Tâm. Một chiếc cầu bằng đá, mặt sàn lát gạch nối tam quan ở bên đường Đinh Tiên Hoàng với Lầu Tàng Thơ. Phía bắc Lầu Tàng Thơ là đồn Mang Cá.

Phía nam có một đảo nhỏ khác, trên đảo có một công trình kiến trúc nhưng đã bị phá hủy từ lâu rồi, thay thế vào đó là một ngôi chùa nhỏ. Hai hòn đảo được kết nối bởi một cây cầu gỗ.

Kiến trúc Lầu Tàng Thơ rất độc đáo: Hiện đại, khoa học nhưng không kém phần cổ kính. Xung quanh là hồ nước sâu để tránh hỏa hoạn và ngăn chăn sự xâm nhập của chuột.

Mặt nền lầu ở bên dưới lớp gạch Bát Tràng được lát bằng các tấm chì lá để cách ẩm và rải bột lưu huỳnh nhằm khử kiến, gián, chống mối mọt.

Tầng trên tập trung nhiều loại văn bản, tư liệu quý nên được trổ nhiều cửa để thông khí, chống ẩm, mốc - do Huế mưa nhiều, độ ẩm trong không khí rất cao.

Tờ châu bản này nên lưu trữ ở đâu để phát huy giá trị nhiều mặt của nó?

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang xúc tiến dự án xây dựng Thư viện Hoàng cung trên cơ sở trùng tu, phục hồi chức năng của Tàng Thư Lâu.

Thư viện sẽ được thành lập vào năm 2010. Lầu Tàng Thơ được xây dựng vào năm 1825 gồm 2 tầng, tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian 2 chái, với chức năng lưu trữ văn bản - tài liệu quan trọng của triều đình nhà Nguyễn, gần giống như chức năng của Trung tâm lưu trữ Quốc gia ngày nay (ở Hà Nội).

Theo nhiều tư liệu của triều Nguyễn, chúng ta được biết các loại sổ sách của Lục Bộ và các Nha ở kinh đô Huế sau mỗi năm đều được đưa đến cất giữ trong Tàng Thư Lâu.

Chỉ riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ ở đây đã lên đến 12.000 tập. Vì thế Tàng Thư Lâu là một nguồn tư liệu vô cùng quý giá đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trên tất cả các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, lịch sử, địa lý, kinh tế, quốc phòng. v.v...

Sau những biến cố lịch sử và sau những trận lũ lụt lớn, sách vở, tài liệu, các văn bản lưu trữ  tại Lầu Tàng Thơ bị hư hỏng, thất lạc dần dần. Khi triều Nguyễn cáo chung (8/1945) cơ quan lưu trữ tài liệu quốc gia này ngừng hoạt động.

Cũng từ đó nó cứ từ từ rơi vào sự quên lãng; một khối lượng sách, tư liệu văn bản khổng lồ lưu trữ trong Lầu Tàng Thơ đã thất thoát hết, chỉ còn lại “đền cũ lâu đài bóng tịch dương” chứng tích của một quá khứ vừa huy hoàng vừa tang thương.

Dự án Thư viện Hoàng cung nhằm mục đích trả lại chức năng vốn có cho một di tích lịch sử-văn hóa. Thư viện Hoàng cung sẽ là nơi lưu trữ, bảo quản những tài liệu của triều Nguyễn để lại, phục vụ cho công tác nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Lúc đó những tài liệu tương tự như tờ châu bản mà ông Phan Thuận An vừa trao tặng Bộ Ngoại giao nếu được lưu trữ ở đây là hợp lý nhất.

Châu về hợp phố, bằng các con đường chính trị ngoại giao và ngoại giao văn hóa, các tư liệu, thư tịch của nhà Nguyễn hiện đang nằm rải rác ở nhiều cơ quan ngoài ngành văn hoá, ngoài địa giới hành chính của Huế, thậm chí nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam rất có thể sẽ dần dần sẽ được chuyển giao cho thư viện Hoàng cung lưu trữ, phát huy giá trị.

MỚI - NÓNG