Châu Long

 Minh họa: Trương Tiến Trà
Minh họa: Trương Tiến Trà
TP - “Tỉnh Bắc Ninh có kẻ học trò Văn Lưu Bình đỗ ba kỳ đệ nhất Sức cho hàng huyện cho chí hàng xã đi rước Loa loa loa”

Cái đêm hôm ấy đèn lửa rực trời. Ngôi nhà ba gian bé mọn của Lưu Bình ở giữa xóm như có đám cháy. Thầy lý cụ chánh chỉ huy chém tre kết lá bắc rạp dựng cổng chào, chân người chạy rầm rập. Đám thầy đồ sĩ tử tấp nập ra Văn chỉ bái tạ Đức thánh hiền đã ban cho làng con thầy tân khoa và năm tới năm tới nữa luôn thể cho cả chúng con mới. Thằng hầu của Lưu Bình, hôm nào bỏ chàng mà đi, nay quay lại lăng xăng. Đứng ngay ngắn ngoài chái, nó vái vào trong: “Ơ bà, ông con vinh hiển rồi, bà dậy chải chuốt, mai đóng võng lên tỉnh rồi cùng vinh quy”.

Trong màn thoáng động, tiếng nói nghèn nghẹt chả nghe ra sao. Thằng mõ bảo: “Cơ khổ. Nuôi chồng ăn học, đến lúc tàn tán rợp trời lại ươn, chả bù mẹ Đốp tôi quá trâu lăn”.

“Trên tỉnh tân khoa quan ngài trông lắm. Sớm mai không thỉnh được nhà người lên võng cáng đi, khéo phải quở”, thầy lý lo ngại.

- Con đồ rằng bà nhà chẳng được chung tình lúc quan ông vào kinh ứng thí, đâm dở dang gì đó.

Thằng hầu cười khúc khích, ăn ngay bốn cái tát. “Phỉ phui. Làm chúng ông phải vạ giờ…”.

Đến nửa đêm, xung quanh ắng lặng, nàng Châu Long giở dậy nhai quả giầu mặt bừng bừng. Thằng hầu láo thật. Đã bạc còn láo. Nhưng nó nói đúng. Ta dở giương. Đám than dưới bếp đang tàn, có nên gầy lại cho nồng đượm hay hắt phắt gáo nước vào.

Thế là đã ba thu vâng lời chồng đi nuôi bạn. Ba nén vàng Dương Lễ đưa chi dụng thật ngặt nghèo, thưng gạo thỏi mực lọ mắm thôi thúc, phải tằn tiện vô tả, không bán buôn thêm thì vốn đã cụt từ lâu. Lại đốc thúc, khích bác cho chàng đừng nản chí, hứa hẹn một tương lai nồng ấm. Nhưng chả sự nào khó bằng ngần nấy đêm chung nhà chẳng chung hơi, nằm trong chái nghe Lưu Bình hào hển nài nỉ bên ngoài phải làm mặt giữ giá. Mà nào ta có phải gỗ đá hay chàng chả đáng yêu. Chỉ là vì gái này đã có chồng, phải đóng vai chị vai mẹ chàng, ơn nghĩa vun thật dầy dặn chứ ái tình không được vương mẩy tơ.

Thôi đại sự đã xong, từ nay nhẹ bỗng. Ném huỵch nghìn ngày lạnh lẽo nín nhịn, dù chả phải giả trá quá nhưng chả được là mình. Ta về ao ta an phận làm em ba. Còn nợ tình nợ tiền những đâu đâu quên hẳn, coi là giữa hai anh đàn ông với nhau. Nào, về mái nhà xưa yên ấm, trên tỉnh dưới xã mai ra ngẩn ngơ kệ, lòng ta ổn là được.

Bèn dập đống rấm thắp nén hương, thả con chim lồng, cài then trước then sau. Bước chân về Sơn Tây của người đàn bà đói hơi chồng chốc lại loạn nhịp.

***

- Nhà chị kia, đi đâu?

- Ta đây. Đã thiểu não đến thế rồi á.

- Thấy nhà quan bắt quàng hả. Cho chó ra chạy chết giờ. A, con xin lỗi, ra là bà ba ngày xửa.

Châu Long hơi hạ phần hứng khởi khi bước vào cánh cổng chạm chữ “Dương” đường bệ. Thằng hầu giữ thói hỗng, chó dựa oai chủ làm nàng phải đôi co. Nó chả đã làm Lưu Bình tức uất còn gì. Nhưng thôi, đã bảo bỏ chuyện Lưu Bình lại cơ mà.

Bà cả chạy đến mừng mừng rỡ rỡ, đang đôi hồi bỗng “Em còn về đây làm gì?”.

-Chả phải là năm ấy tướng công nhà mình cần người giả cách người dưng đi nuôi bác Lưu Bình, chị rồi chị hai đều từ chối, mới đến phần em đấy ư.

- Chị có quên đâu.

- Giờ bác ấy đã thi đỗ, vinh hiển, em về.

- Vẫn đành là phải thế.

- Chị bảo vậy làm em sợ? Em vẫn giữ phận dưới, chả tranh giành gì đâu. Hay tướng công thêm hầu thiếp, trẻ trung hơn…

- Chả thêm thắt gì. Chị cũng chả biết nói ra sao. Thôi nghỉ tý đã, để chị vào báo tướng công.

Đận “tý đã” kéo sang chiều muộn. Dương Lễ dự tiệc ở nha phủ rồi mải giấc nồng, khi nghe tin Châu Long về chỉ thốt “Ờ, ta biết rồi”, mặt thoắt cái khó đăm đăm. Nhưng khi nhác thấy nàng, quan ngài đổi sang vồn vã, hỏi chuyện đi đường bao lâu có vất vả sao không báo trước để sang đón...

- Bao xa cũng chả bằng niềm vui về nhà mình, thưa quan tướng – Châu Long nghẹn ngào thốt.

- Tiệc mừng tân khoa bên Bắc Ninh chắc rạng rỡ lắm?

- Chàng ơi, Châu Long đổi cách xưng hô, đợi đến lúc ấy thì ván đã đóng thuyền, thiếp làm sao trở về nguyên vẹn.

- Cũng tiếc một buổi vui, nhỉ. Ta cứ nghĩ nàng ở luôn bên ấy cho được hiển vinh, về chốn chồng chung vợ chạ mà làm chi.

Ắng đi một lúc, Châu Long quỳ sụp: “Ba năm qua thiếp giữ thân mình nguyên vẹn, nay chàng chẳng thương thời chớ, còn ngờ vực thật uổng cả”. Bà cả đứng bên chép miệng: “Một mất mười ngờ…”. Bà hai nhổ quết trầu: “Ma ăn cỗ biết thế nào được!”, vỗ đít nguẩy vào trong. Châu Long khóc nấc lên. Dương Lễ bước xuống nâng dậy: “Ơ nàng, ta cợt miệng nói chơi vậy, đừng để ý đừng để ý”. Đoạn quay ra hào sảng: “Đại hỷ đại hỷ! Bay đâu, dọn tiệc lớn, coi như ta cưới được vợ mới”. Bà hai cười nụ: “Chả hóa ra lấy đĩ về làm vợ”, bà cả rằng “Dì nói vậy chả hóa ra năm ấy chúng mình từ chối đi làm đĩ á?”.

Ê hề canh bào ngư, súp yến sào, bàn tiệc chả còn chỗ nào. Ba bà ngồi chống đũa, người háo hức kẻ hầm hầm người nữa cậy miệng chả ra mồm, đợi quan tướng trầm ngâm mãi ngoài khóm ngâu. Đến lúc ngài vào thì món lạnh mặt cũng nguội cả. Châu Long rót chén rượu ngâm cá ngựa đại bổ thận dâng lên, Dương Lễ nhấp gọi là, hấm hứ đang uống thuốc bắc. Nhưng cũng gắp lại cho nàng. “Con cá anh vũ này sống nơi nước chảy mãi thượng du, thường bám vào đá ăn rêu nên cái môi là ngon hơn cả”, nói ra điều chu đáo. Tiệc tan, Châu Long về căn phòng xưa, bụi mốc nhiều quá phải xắn tay quét dọn lấy, đoạn tắm nước thơm, gài hoa bưởi lên tóc đợi. Nàng có bao nỗi niềm để thủ thỉ với người chồng, người chủ của mình. Thân thể nàng trải ba thu còn vẹn nguyên, đầy đặn, sẵn sàng trải ra đêm nay.

Sang canh hai, có tiếng guốc lạch cạch. Thằng hầu hai tay dâng gói lụa điều bọc đĩnh vàng: “Quan tướng bảo bà ba thay quan làm việc ơn việc nghĩa, nay thưởng hậu”. Hỏi quan đang bà cả hay bà hai, nó cười túng tắng rảo đi.

Tuần sau, tháng sau đều thế, ba ngày tiệc nhỏ năm ngày tiệc to, những ban khen không tiếc lời cho sự hy sinh của Châu Long. Phòng nàng chất ngập lụa là, phấn thơm, trầm hương, nhưng đêm là của trông ngóng rồi chuyển sang tủi hổ.

- Trăm lạy quan tướng, chàng có điều chi trách phạt thiếp?

Châu Long sụp xuống hỏi, trong lúc ba bốn mặt cần một lời. Dương Lễ “Ơ hay, có tấm sa sứ Tầu tặng, ta chỉ cho mỗi mình nàng đây thây”.

- Chàng chẳng sang khiến thiếp thật bẽ bàng, xin hỏi cơn cớ thật để còn liệu sửa lỗi.

Châu Long vẫn ngồi dưới chiếu, nhìn thẳng vào Dương Lễ. Bà cả lẩm nhẩm “Thê nhi như y phục, còn chả hay…”. Bà hai nổi đùng đùng: “Lý đâu dám chất vấn vậy. Được nuông đâm dâm đãng ra cả lời”.

- Thiếp cùng Lưu Bình quả thật không có chuyện bén hơi. Ngày ra đi nuôi bác ấy hoàn toàn là vâng mệnh chàng, cho chàng thỏa tấm lòng trọn vẹn với bạn bè. Bao nhiêu công lao với bấy nhiêu thủ tiết, chẳng lẽ giờ không được đoái thương – Châu Long thở ra - Hay chàng chê cũ, muốn có cô hầu trẻ trung hơn, thì thiếp chả cản.

- Dào ôi, những cũ rích nói mãi – Bà hai nguẩy ra – Miếng giẻ chùi chân còn làm giá. Vàng lụa rồi chửa biết thân…

Châu Long nấc lên, toan lời qua tiếng lại, nhưng Dương Lễ đã phẩy tay đi vào. Đêm ấy đã cài then thì chàng vào, mặn nồng không thể tưởng. Châu Long được hơi cũ sinh thói quỵ lụy bèn dậy pha trà hâm rượu, láu táu hóng hớt sang những chuyện kinh sách, rằng câu nấy nọ có phải nghĩa lý thế thế không. Dương Lễ chợt trầm giọng: “Thế bên kia cũng thường vầy vậy chứ gì?”

- Chàng có ý gì, làm em sợ.

-Từ câu thơ đến chỗ cuộc cờ chén rượu rồi ngửa ra chẳng bao xa. Hứng thế mới tột cùng chứ.

Nói rồi lại lột nàng ra, dầy vò như con thú muốn cho nát ra tan ra mới hả dạ. Nửa đêm, mệt oải, hầm hầm, chàng ra khỏi phòng, để lại tênh hênh với nghẹn ngào. Đêm sau lại thế khiến Châu Long tức uất lên: “Thà rằng chàng đừng vào còn hơn”.

- Ta muốn tin nàng, lại cũng muốn đừng muốn nàng.

- Thế để mời bác Lưu Bình sang cho được rạch ròi vậy.

- Chớ dại. Ai tin cho được. Vả, ta biết chốn quan trường, Lưu Bình hiển vinh, gặp rồi khéo nàng còn mất cả tình của hắn có khi.

- Bác ấy đâu phải loại người thế.

- A, thế này ra đã bén hơi nhau lắm.

Thám hoa Chi Đạo từ Trung Hoa chạy loạn sang ta, mỗi chữ mỗi câu đều tỏ dòng chân Nho, hồi trước dạy Dương Lễ. Tiên sinh trung chính, khắc kỷ, coi rẻ nôm na mách qué, tết lễ học trò làm lớn trong triều đến thường chỉ cho ngồi dưới, hỏi thăm dăm ba câu rồi đuổi ra. Thuộc tính thầy, Dương Lễ chỉ dâng xấp giấy xuyến chỉ đạm bạc, rồi đem nỗi ngổn ngang trong lòng ra mà hỏi. Những là không dứt được với lại chả thể nào… Đang còn dang dở thì Chi Đạo hầm hầm: “Phí chữ ta dậy!”.

- Dạ, con vẫn hằng gặm kinh sách.

- Đàn bà ở nhà theo bố mẹ, lấy chồng chỉ biết chồng rồi con. Để vợ ra khỏi nhà là coi như anh đã chết.

Nói rồi phắt dậy, ném trả quà.

Dương Lễ sợ hãi trở về, trầm ngâm hết nỗi. Sang tuần, thằng hầu vác súc gỗ trầm đến phòng Châu Loan buông huỵch. “Này cô ơi thơm phưng phức đây. Đêm nằm tha hồ gác chân gối đầu vui đáo để. Từ nay đừng mong quan lui tới nữa nhé”.

- Ta chẳng tin. Sao quan tướng không đích thân tới bảo?

- Con hứng mọi cái xấu cho mặt quan sạch sẽ. Lần cho bác Lưu Bình xơi phũ phàng chả phải con thì đứa chó nào.

- Nhưng ta có làm gì nên tội.

- Đàn bà ra khỏi nhà chồng là có tội rồi. Ra rồi trở về tội càng tội. Cô không biết đấy thôi, ngoài phủ họ xôn xao thế là ngài liếm rồi lại nhổ rồi lại liếm à. Buồn cười thật đấy.

- Ta chả thấy có gì mà cười.

- Là nói con gà mái. Không có sống, chỉ ấp bóng ấp hơi mà cũng cục tác ầm cả lên. Con ra đấy xem, chả đôi co đâu ạ.

Quan tướng tránh mặt hẳn, không báo duyên cớ hỡi hời nào. Thảng hoặc có về chỉ ngủ nhà trên, đèn lửa mới tối sậm đã tắt ngóm. “Tội lội xuống sông, tội xông ra biển. Rẽ ngả nào ới tội ơi là tội”, thằng hầu đứng ngoài sân hát đổng.

Chen tiếng bà hai lóe xóe: “Con gà sang vườn hàng xóm, vào nồi nhà nó rồi thì chớ đem nắm lông ô uế về nhà bà nhá á á”. Châu Long uất lên làm ngụm thạch tín nhưng không chết. Thày lang đến rửa ruột, cắt bao nhiêu thang đại bổ tốn kém đều là do quan tướng chi trả. Những lần ngài ghé thăm chỉ đứng đầu giường chả nói năng. Đêm hôm ngằn ngặt, giường cứt chiếu đái đều bà cả lo, bao nhiêu xa xót chỉ ra mặt chứ không ra lời.

Tết Trung Thu, nhà mở hội ngắm trăng, mời thêm vài vị tao nhã xướng họa. Bà cả làm cỗ ngọt chiêu nước chè mạn, bà hai thêu tặng chồng túi gấm đựng bút. Đang giòn giã thì Châu Long đem quả đầu hoa gáo mới mọc tóc ra, rằng xin góp vui. “Đĩnh vàng phân bạc nặng bây nhiêu, đem ra so với chiếc lông chim này làm nó tủi phận. Phu thê mà chi, cho chàng là người tử tế”, vừa múa vừa hát vậy. Cái quạt trong tay nàng xòe ra cụp vào phành phạch gió trên gương mặt thoắt tái thoắt đỏ của lang quân. Thằng hầu vái dài: “Cô tôi nói chữ đáo để”. Văn nhân đứng dậy cả. Dương Lễ nhăn nhó: “Con ở nhà tôi đâm dở, xin được thứ lỗi”.

Sáng ra thằng hầu đứng đầu phòng nghêu ngao “Cây bòng cây bưởi xinh từ cái gai trở đi, còn mỗi cái lá là tội nghiệp. Quan sai tôi lấy lá lót tay cô ba dắt ra khỏi nhà, đưa nén vàng rồi bảo phắn. Đâu đâu kệ xác”. Nhưng giường chiếu đã gọn ghẽ, chỉ vương vài sợi tóc ngắn ngủn và những mảnh gương vỡ.

Người thì đang ở giữa đồng không bao la. Bỏ thôi. Quăng cha nó ba vạn chín nghìn mớ nghĩa tình quân tử, những đại đại sự đè nghít niềm bé mọn. Nhưng quẳng mạnh quá đau quá là đau. Ối giời, còn lại giọt nào đều là đắng cả. Nhưng đi đâu giờ, để gột rửa?

Sang với Lưu Bình thì không thể. Ra là đứa hai chồng á. Mà chắc gì người ấy đã nhận. Lũ mặt trắng đậu tường Nho chỉ cốt danh phận, bao nhiêu chữ đều để lót đường. Ngôi làng tấm bé bước khỏi rồi không thể quay về, chả hóa bôi gio trát trấu cha mẹ với cả họ hàng với cả những quan viên cho chí thằng mõ lắm. Nên đành quy y. Chỗ Châu Long xuống tóc, ngày ngày trông lên mặt Phật là chùa Hổ Sơn ở huyện Thiên Bản, Sơn Nam Hạ. Thời Trần, bà công chúa Huyền Trân đem thân lấy vua Chiêm Thành để đổi hai châu Ô, Rí về cho đất Đại Việt, sau khi trở ra Bắc dở dang thế nào đấy đã về đây tu.

Truyện ngắn của Trần Chiến
Theo số tết
MỚI - NÓNG