Vừa mở bán đã hết vé
Ngày 25/12, bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM) và nhiều hãng xe thương hiệu đã mở bán vé xe Tết. Vé được bán trực tiếp tại các quầy vé của bến xe, điểm bán vé của nhà xe và bán online.
Dù chỉ mới mở bán vé được vài tiếng nhưng một số nhà xe thương hiệu đã hết vé xe giường nằm cao cấp các chặng “nóng” như TPHCM đi các tỉnh miền Trung, tỉnh Tây Nguyên từ 18/1 đến 23/1/2020 (24-29 tháng Chạp). Một số chặng xuất phát từ bến xe Miền Đông vẫn còn vé nhưng đa số là xe ghế ngồi, giá tăng 20 -60%.
Công bố bán vé xe Tết sớm nhất và đến thời điểm hiện tại (25/12), website chính thức của Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) thông báo đã hết vé nhiều chặng vào những ngày cao điểm. Từ ngày 19-23/1 (25-29 tháng Chạp), chiều đi từ bến xe Miền Đông đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… gần như đã hết sạch vé dù giá vé tăng cao.
Truy cập website của bến xe và một số hãng xe thương hiệu để mua vé về quê nhưng chị Lê Thị Mỹ Duyên (quê Quảng Ngãi) vẫn chưa tìm được vé cho cả gia đình. “Năm nào tôi cũng canh đúng ngày mở bán là vào website mua ngay. Mặc dù giá vé tăng gần gấp đôi nhưng cũng phải chấp nhận vì mua được vé xe là đã tốt rồi, chưa nói đến xe thương hiệu. Riêng năm nay thì đến giờ (25/12) vẫn chưa mua được vì các hãng xe thương hiệu đã cháy “vé’”, chị Duyên nói.
Ông Trần Thanh Việt, Phó Trưởng phòng Kế hoạch vận tải Bến xe Miền Đông, cho biết, năm nay tổ chức bán vé Tết từ ngày 25/12 (tức 30/11 âm lịch) và kết thúc 20/1/2020 (tức 26 tháng Chạp) cho hành khách đi từ ngày 24 đến 28/12 âm lịch với khoảng 417.000 vé. Giá vé sẽ tăng từ 20 đến 60% so với giá vé ngày thường, tùy chặng đường và thời điểm. “Bến xe cũng sẽ tăng cường nhiều chuyến xe để đảm bảo mọi người dân đều được trở về quê đón Tết. Bến xe đã ký hợp đồng với những xe chạy thêm hợp đồng để có thể tăng cường phục vụ hành khách trong những ngày cao điểm”, ông Việt nói.
Ðường sắt “khoá sổ” ngày cao điểm
Không riêng gì vé xe, vé tàu hỏa những ngày cao điểm từ 24-29 tháng Chạp chặng từ Ga Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung cũng gần như đã “khoá sổ”. Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong trên website của ngành đường sắt (dsvn.vn), chặng Sài Gòn - Quảng Ngãi các ngày từ 23 đến 28 tháng Chạp đã hết vé. Riêng ngày 29 tháng Chạp còn rất ít vé. Giá vé dao động từ 800 nghìn đồng đến hơn 1,2 triệu đồng.
Ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết, năm nay ga Sài Gòn cung ứng khoảng 287.000 vé tàu tết trên các chuyến tàu đi, đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tính đến 8h sáng 25/12, các ngày cao điểm từ 23 đến 28 tháng Chạp đã hết vé chiều đi từ ga Sài Gòn đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, từ ngày 22 tháng Chạp đổ về trước và ngày 29 Tết vẫn còn vé. Chiều từ Hà Nội vào thì các ngày từ mồng 4 đến mồng 8 Tết cũng đã bán hết vé.
Hiện nay, ngành Đường sắt vẫn còn khoảng 78.200 chỗ trên các đoàn tàu đi, đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán 2020. Trong đó, còn khoảng 17.200 chỗ xuất phát tại ga Sài Gòn, Biên Hòa đến ga Nha Trang đến Hà Nội vào thời gian trước Tết từ ngày 14/1 đến 23/1 (tức ngày 20-29 tháng Chạp); còn khoảng 61.000 chỗ xuất phát tại ga Hà Nội đến Nha Trang, Biên Hòa và Sài Gòn vào thời gian sau Tết từ ngày 28/1 đến 9/2 (tức ngày 4 đến 16 tháng Giêng).
Mạnh tay chặn “cò” vé
Trước tình trạng vé tàu, xe Tết ngày càng khan hiếm, nguy cơ tái diễn tình trạng “cò” vé chèo kéo, lừa đảo hành khách, các nhà ga, bến xe và ngành giao thông ở TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn.
Tại ga Sài Gòn, ngành Đường sắt đã triển khai hàng loạt phương án như lắp camera an ninh từ khu vực cổng vào đến các quầy bán vé, quầy hướng dẫn, kết nối vào màn hình tại phòng điều hành và điện thoại di động của lãnh đạo nhà ga nhằm kiểm soát nhân viên, ngăn nhân viên tuồn vé ra ngoài. Nhà ga cũng phối hợp các đơn vị liên quan như công an phường để có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài sân ga.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Công an phường 9, quận 3, TPHCM, cho biết, theo các phương án của ga Sài Gòn, Công an phường đã tổ chức họp với lãnh đạo nhà ga và các cơ quan ban ngành liên quan để cử lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại ga trong các giai đoạn từ bán vé đến những ngày cao điểm hành khách về quê nhiều. “Công an phường cử lực lượng phối hợp đảm bảo an toàn tuyệt đối, an ninh trật tự, cũng như ngăn chặn “cò mồi”, (cò) vé với lại lừa đảo, móc túi các loại. Đảm bảo sao cho hành khách đi tàu, đến và đi an toàn”, thiếu tá Tùng nói.
Tương tự, các bến xe Miền Đông, Miền Tây… đã khuyến cáo hành khách cần chú ý những thông tin cần thiết, tránh trường hợp bị lừa gạt, mua vé chợ đen. Lãnh đạo bến xe khuyến cáo hành khách cần kiểm tra các thông tin đầy đủ trên vé và chỉ thanh toán tiền theo đúng giá tiền được ghi trên vé.
Ngày 25/12, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, 4 bến xe lớn của thành phố có gần 5.000 xe khách phục vụ cao điểm Tết với tổng cộng hơn 175.000 chỗ ngồi. Cao điểm phục vụ Tết từ ngày 6/1, ngày cao nhất có thể lên đến khoảng 130.000 lượt khách, tăng gấp đôi ngày thường. Giá vé xe khách tăng từ 18% đến 60%. Tổng vé đã bán là hơn 276.000, vẫn còn hơn 740.000 vé. Riêng vé giường nằm đi các ngày cao điểm đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã hết. Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến có khoảng 25.300 chuyến bay phục vụ gần 3,8 triệu hành khách trong dịp tết Canh Tý, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm ngoái.