Chật vật cùng con học trực tuyến lớp 1

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh lớp 1 tại Hà Nội trong giờ học trực tuyến
Học sinh lớp 1 tại Hà Nội trong giờ học trực tuyến
TP - Sau hơn một tháng học sinh lớp 1 học trực tuyến, một số phụ huynh tại Hà Nội  nói họ phải ngày đêm đánh vật học chữ cùng con.

Chị Phan Thùy Dương (ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) có con năm nay học lớp 1. Chị cho biết, nhà trường xếp lịch học trực tuyến buổi tối để phụ huynh kèm con học từ 19h đến 20h30 phút tối. Trong 3 tiết học, giáo viên vừa chiếu video vừa hướng dẫn gần 50 học sinh/lớp viết theo mẫu, cách đặt bút, uốn nét… Nhiều em không tập trung nên cô mất nhiều thời gian gọi tên, nhắc nhở. Việc xem video hướng dẫn rồi viết theo không khác gì xem tivi học chữ. “Đi làm về, mẹ nấu nhanh cơm cho con ăn trước 19 giờ tối để 2 mẹ con ngồi vào bàn học. Kết thúc giờ học với cô giáo, mẹ bắt đầu dạy con đến 22 giờ đêm. Cuối tuần, mẹ lại tranh thủ dạy con cả sáng, chiều, tối. Mất nhiều thời gian nhất là phần luyện chữ viết.Tuy nhiên, sau 4 tuần học, chữ con vẫn nguệch ngoạc,vẫn vất vả đọc bài ứng dụng”, chị Dương nói.

Chị Hà Linh (có con học lớp 1, Trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm) đánh giá, con chị đáp ứng được bài dạy của giáo viên và chị không quá vất vả để kèm cặp. “Chỉ có điều là con vẫn chưa tập trung nên những nội dung giáo viên lưu ý bố mẹ vẫn phải nghe và nhắc lại cho con”, chị Linh nói.

Vai trò của phụ huynh

Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng năm đầu tiên đối với lớp 1 từ năm ngoái. Nhiều giáo viên, phụ huynh đánh giá, chương trình nặng hơn so với SGK cũ khi thiết kế tốc độ bài học quá nhanh. Số tiết học dành cho môn Tiếng Việt cũng tăng từ 350 tiết (chương trình cũ) lên 420 tiết. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn giảm tải bậc tiểu học, trong đó có lớp 1. Giáo viên được chủ động tích hợp, giảm tải các nội dung đảm bảo yêu cầu cần đạt: học sinh biết viết đúng chữ viết thường, viết hoa, số 0-9; nói rõ ràng thành câu; viết đúng chính tả đoạn thơ, văn có độ dài 30-35 chữ theo hình thức nhìn-viết, nghe -viết…

Cô Việt Hà, giáo viên có nhiều năm dạy lớp 1 tại Hà Nội,nói: “Nếu trước đây, học sinh được giáo viên hướng dẫn viết, đọc trên lớp, về nhà chỉ hoàn thiện thì nay phụ huynh phải đảm nhận vai trò đó. Sự tiến bộ của học sinh phụ thuộc phần lớn vào phụ huynh. Nếu phụ huynh bận rộn, con sẽ gặp khó khăn”, cô Hà nói.

Nhiều địa phương đang dạy qua Internet, truyền hình, như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Hà Nam, Ðà Nẵng, Kiên Giang… Một số địa phương không dạy trực tuyến đối với lớp 1, như Cà Mau, Cần Thơ, Hà Tĩnh...

Bà Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Qúy Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội), nói rằng, qua 1 tháng dạy học cho thấy, đa số phụ huynh đều phối hợp giáo viên hỗ trợ con học lớp 1 nên đã vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, ở phần học viết, giáo viên chỉ thị phạm qua màn hình, việc uốn nắn con sau đó phụ thuộc vào kỹ năng của bố mẹ. Ngoài giờ học, cô giáo gửi thêm video tập đọc để học sinh đọc theo. “Dạy học trực tuyến, cả giáo viên và phụ huynh đều rất vất vả, nhất là phụ huynh vì họ vừa phải làm việc vừa kiêm cô giáo. Họ sẽ có phần áp lực bởi không có chuyên môn sư phạm để dạy con đúng cách. Giáo viên, nhà trường xác định, những em viết chưa đúng, chưa theo kịp chương trình khi quay lại trường học sẽ dành thời gian để kèm cặp thêm, tuyệt đối không nóng vội”, bà Mai nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, nói rằng, xác định dạy học trực tuyến đối với lớp 1 gặp khó khăn nên các trường vừa giảm tải vừa linh hoạt, như sử dụng phần mềm quay video gửi qua Zalo để hướng dẫn học sinh.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.