Coi bức xúc của cử tri là trăn trở của mình
Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) khóa XIV, đơn vị bầu cử số 6 tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 7/5 gồm 5 ứng viên: ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bà Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban KHCN và Môi trường của QH; bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; ông Lê Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà; ông Phan Xuân Tuy, Phó Giám đốc Học Viện An ninh Nhân dân.
Trình bày chương trình hành động của mình, ứng cử viên Nguyễn Văn Chiến hứa nếu được bầu, ông sẽ đấu tranh chống oan sai, mở rộng dân chủ tranh tụng, bảo vệ dân chủ, quyền lợi hợp pháp của người dân. Đồng thời cam kết sẽ quan tâm tới việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí ông còn hứa sẽ biến Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến thành nơi tiếp nhận đơn thư của bà con để chuyển tới Quốc hội.
Ứng cử viên Trần Thị Quốc Khánh thì hứa sẽ phát huy thế mạnh sẵn có của một ĐB chuyên trách, giải quyết những khó khăn vướng mắc của Hà Nội cũng như huyện Mỹ Đức, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường…
Trước khi đi vào chương trình hành động cụ thể, ứng viên Nguyễn Thị Lan tự nhủ, dù được tín nhiệm hay không, bản thân bà vẫn luôn cố gắng hết mình để trở thành một công dân tốt. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu, bà Lan cho biết sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Chia sẻ với cử tri, ứng cử viên Lê Vĩnh Sơn cho rằng, trong quá trình phát triển, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, ô nhiễm môi trường sống trong các làng nghề, thực phẩm bẩn, tình trạng thanh niên nông thôn thiếu việc làm, hay tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp…
“Vì lẽ đó, Quốc hội có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, hay nói cách khác là phải thực hiện rất nhiều công việc cả cấp bách trước mắt đến những vấn đề chiến lược lâu dài, như hoàn thiện thể chế luật pháp, đảm bảo cho một giai đoạn phát triển và hội nhập mới, tham gia thực hiện các chức năng giám sát, phản biện xã hội”, ông Sơn nói.
Nếu được cử tri tin tưởng bầu trở thành ĐBQH, ông Sơn cho biết sẽ tăng cường tiếp xúc với cử tri, coi niềm vui hay trăn trở, bức xúc của cử tri cũng chính là trăn trở của mình, kịp thời phản ánh tâm tự, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của cử tri đến diễn đàn Quốc hội.
Với vai trò của một doanh nhân và Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội, ông Sơn hứa sẽ tích cực có tiếng nói để tham gia vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng làm giàu cho lớp thanh niên mới…
Đặc biệt, với cương vị Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội, với kinh nghiệm của một doanh nhân, ông Sơn sẽ hỗ trợ cho con em cử tri trong địa phương tập huấn các kỹ năng tìm, lựa chọn việc làm, đồng thời ông đặc biệt quan tâm tới vấn đề “khởi nghiệp”.
“Hiện nay Chính phủ đang triển khai chương trình Quốc gia khởi nghiệp”, thành phố Hà Nội cũng đang triển khai chương trình “Thành phố khởi nghiệp”, vì vậy chúng ta nên có chương trình mở rộng sâu hơn để hỗ trợ người dân, ví dụ như “Chương trình khởi nghiệp về cấp huyện, cấp xã”, ông Sơn gợi mở.
Bên cạnh đó, ứng viên Sơn cũng hứa nếu trở thành ĐBQH sẽ đề xuất chính sách giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay, như xử lý ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm làng nghề, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn… Đồng thời sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết Doanh nghiệp – Nông dân – Nông thôn nhằm hỗ trợ nông dân về KHCN, vốn và tiêu thụ sản phẩm.
Ứng cử viên Phan Xuân Tuy thì hứa với cử tri nếu trúng cử ĐBQH ông sẽ trở thành ĐB thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh và sẽ làm tròn trách nhiệm ở cả hai vai.
Cử tri chất vấn…
Sau khi nghe toàn bộ chương trình hành động của 5 ứng cử viên, các cử tri đã phát biểu ý kiến, bày tỏ tâm tư nguyện vọng của cử tri và người dân. Cử tri Nguyễn Danh Thiệu, Trưởng Ban đại diện hội người cao tuổi huyện Mỹ Đức đánh giá cao những chương trình hành động mà các ứng cử viên đưa ra, phản ánh được rất rõ ý chí, quyết tâm của các đại biểu.
Sau khi tham dự xét xử nhiều vụ án, cử tri Thiệu nhận thấy băn khoăn về thái độ làm việc, phương thức quản lý của giới luật sư. “Việc quản lý nhân viên của Liên Đoàn Luật sư có chu đáo như các ngành khác không? Ngoài chuyên môn thì việc học tập, rèn luyện của luật sư có làm thường xuyên không?”, ông Thiệu chất vấn ứng viên, Luật sư Nguyễn Văn Chiến
“Đã tham gia 3 khóa QH với nhiều kinh nghiệm, nhưng là ĐB chuyên trách như thế thì ĐB Trần Thị Quốc Khánh có dành thời gian đi cơ sở, tiếp xúc với cử tri để nắm bắt tình hình thực tiễn không?”, cử tri chất vấn ĐB Khánh.
Trả lời thắc mắc của cử tri, ứng viên Nguyễn Văn Chiến cho biết, việc tự quản của luật sư được thực hiện theo quy định của Luật Luật sư và phải thực hiện bồi dưỡng bắt buộc mỗi năm 16 giờ.
Ứng viên Trần Thị Quốc Khánh thì cho biết, theo Luật Tổ chức QH, ĐBQH hoạt động chuyên trách phải làm việc 100% thời gian ở QH, làm rất nhiều việc, từ lập pháp, giám sát tối cao, đến quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
“Ba việc lớn như thế nếu không đi tiếp xúc cử tri, không gắn với cử tri thì QH không làm được. 30% thời gian ĐBQH chuyên trách sẽ làm nhiệm vụ của ĐB, còn 70% dành cho chuyên môn của mình”, bà Khánh nêu.
Đúc rút những bài học từ các lần bầu cử trước, cử tri huyện Mỹ Đức kỳ vọng nếu trúng cử, các ĐBQH sẽ phải làm đúng như chương trình hành động đã đề ra.