Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tại phiên chất vấn |
Ngày 13/9, Văn phòng Quốc hội công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND.
Nghị quyết nêu rõ, nguyên tắc hoạt động giám sát của HĐND không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; được tiến hành thường xuyên, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Về tiêu chí lựa chọn chất vấn sẽ căn cứ vào vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri quan tâm; vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật…
“Người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay”, Nghị quyết nêu rõ.
Tại các địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, người bị chất vấn, người được yêu cầu giải trình theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trong đó, Chủ tịch UBND phường trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đối với đơn vị hành chính không tổ chức HĐND phường.
Chủ tịch UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND quận trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố trực thuộc trung ương đối với đơn vị hành chính không tổ chức HĐND quận.
Cũng theo Nghị quyết, HĐND, Thường trực HĐND thành phố trực thuộc trung ương, và HĐND quận có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan ở địa phương tham dự phiên chất vấn, giải trình và trả lời về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Với tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, cũng căn cứ vào những vấn đề bức xúc ở địa phương, không trùng lặp về đối tượng giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.