Theo truy tố, năm 1992, ông Huy được anh họ (đã mất) rủ đi trộm cắp dầu tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cùng 2 người khác. Tổng cộng, nhóm này đã 3 lần phạm tội, lấy đi 360 lít dầu thủy lực đặc chủng dùng trong nâng, hạ cánh cửa tổ máy. Lượng dầu thiếu hụt ảnh hưởng sự vận hành của Thủy điện Hòa Bình - công trình quan trọng về an ninh quốc gia.
Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại hơn 2,2 triệu đồng và 3 đồng phạm của Huy đã nhận án tù từ năm 1993. Riêng Nguyễn Quang Huy không có mặt tại địa phương nên cảnh sát đình chỉ điều tra và phát lệnh truy nã. Tuy nhiên, ông Huy vẫn đi học lớp Tại chức Luật tại địa phương, thi đỗ công chức rồi được bổ nhiệm Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong. Quá trình xác minh lý lịch người thân của ông Huy, cơ quan chức năng phát hiện ông là người trốn truy nã nên bắt giữ.
Tại tòa, bị cáo Huy khai lúc đó được anh họ rủ đi lấy dầu và bị cáo nghĩ số dầu này được thải ra từ máy xúc, máy ủi trên sông Đà nên đồng ý. Ông Huy không biết việc anh họ phải nhận án tù cũng như bản thân bị khởi tố, truy nã. Cựu Chánh văn phòng Tòa án cho hay, gia đình ông sống cạnh trụ sở công an phường, ông học tập tại địa phương và sau đó trải qua nhiều lần xác minh lý lịch công chức, lý lịch Đảng, thậm chí năm 2015 còn đi du lịch sang Thái Lan… nhưng không ai nói ông bị truy nã.
Đến năm 2019, ông được người thân thông báo đã bị khởi tố nên chủ động tới Cơ quan An ninh Công an tỉnh Hòa Bình hỏi chuyện. “Thấy bảo tôi có lệnh truy nã nên tôi báo cáo TAND huyện Cao Phong, đến công an đăng ký và cán bộ hỏi tôi một số vấn đề. Tôi có báo cáo tất cả sự việc với lãnh đạo Tòa án huyện” - bị cáo khai.
Sau nghị án, chủ tọa đồng tình việc ông Huy không biết bản thân bị khởi tố và cho hay, cơ quan chức năng cũng xác minh tại chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú, làm việc thậm chí về quê bị cáo ở Nam Định tìm hiểu nhưng không ai biết ông Huy là đối tượng chịu lệnh truy nã. Ngoài ra, tòa án cũng xác định bị cáo phạm tội khi còn trẻ, thiếu hiểu biết, bị người khác lôi kéo...