Ngày 6/7, tại Hội nghị lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa 10 nhiệm kì 2015-2020, bà Ung Thị Xuân Hương (Chánh án TAND TP HCM) khi thảo luận cho biết, chỉ tính 6 tháng đầu năm đã cho nghỉ việc theo nguyện vọng gần 20 người, trong đó có 10 thẩm phán.
"Trong số đó, có thẩm phán rất giỏi, có người mới bổ nhiệm được một tháng. Tôi hỏi tại sao nghỉ họ trả lời do công việc áp lực quá", bà Hương nói.
Bà Hương kiến nghị cho đơn vị mình được giữ nguyên biên chế, nếu không thì cho phép giảm theo lộ trình. Không nên cào bằng giữa các địa phương bởi riêng số án thụ lý của tòa cấp quận đã tương đương với tòa cấp tỉnh khác.
"Cả tỉnh Ninh Thuận một năm chỉ có 3.000 án, trong khi quận Bình Thạnh đã có 4.000 vụ một năm", bà dẫn chứng.
Theo bà Hương, từ năm 2017 số lượng án hình sự phức tạp, án điểm ở TP HCM tăng cao. 6 tháng qua tòa thụ lý hơn 49.000 vụ, trong đó án hình sự hơn 3.400 vụ, có vụ 70-80 bị cáo, 200 người liên quan như vụ đại án Phạm Công Danh...
"Với tình hình này thì hết năm tòa thành phố sẽ có đến 100.000 vụ, chiếm khoảng 1/4 cả nước. Thụ lý án quá nhiều nên chúng tôi gặp áp lực về nhân sự - thiếu thẩm phán và cả thư ký trong khi nhiệm vụ phải giảm 10% biên chế", bà Hương nêu khó khăn.
"Năm nay cả nước có 12 án điểm do Trung ương chỉ đạo thì TP HCM chiếm đến 6 vụ khiến. Tôi và tất cả cán bộ tòa phải căng mình ra để chuẩn bị cho công tác xét xử", Chánh án cho biết thêm.
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Giao (Chủ tịch liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP HCM) đề nghị nên đổi tên 7 chương trình đột phá thành 7 chương trình trọng tâm vì có vấn đề đã thực hiện nhiều nhiệm kỳ mà chưa được.
"Chẳng hạn như ngập nước, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực năm nào cũng bàn tới bàn lui mà chưa biết khi nào hoàn thành. Đột phá thì phải thực hiện trong thời gian nhất định", ông Giao nói.
Liên quan đến Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP HCM phát triển, ông Giao cho rằng đa số thành viên các hội cho đây là một tin vui nhưng chưa thấy thỏa mãn. Vì cho dù chính sách có mở rộng nhưng rất nhiều vấn đề thành phố không được quyết định, vẫn bị vướng "vòng kim cô".
"Đơn cử như chuyện bổ nhiệm GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nhưng Bộ Giáo dục bác bỏ vì không đúng quy định. Nếu ông này xứng đáng thì thành phố cần thiết bổ nhiệm chứ sao phải theo quy định của Bộ", ông Giao nói.
Một ví dụ khác là, khi bàn giải pháp chống ngập thành phố thấy rằng sửa diện tích miệng cống nhưng lại sai quy chuẩn do Bộ Xây dựng quy định. "Vậy thành phố có được chủ động sửa hay không?", ông Giao đặt vấn đề.