Từ nhỏ, Đàm Đình Hiếu (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) đã mê mẩn âm thanh véo von của sáo trúc. Lớn lên, với mong muốn được sở hữu một cây sáo trúc hay, anh tự tìm tòi cách chế tác. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, Hiếu đăng thành quả của mình lên các nhóm, hội liên quan sáo trúc trên trang mạng xã hội Facebook. Sau mỗi bài đăng nhận được nhiều sự quan tâm, nhiều người hỏi mua, anh quyết khởi nghiệp từ mô hình làm sáo trúc.
Đến nay, sau 6 năm thực hiện mô hình, anh Hiếu vừa cung cấp ống phôi thô cho các đơn vị sản xuất, vừa cung cấp sản phẩm sáo trúc hoàn chỉnh cho người tiêu dùng.
Theo chàng trai dân tộc Tày, để làm ra một ống sáo tốt, trước hết, người làm sáo phải biết thổi. Các quy trình để làm ra một cây sáo trúc rất tỉ mỉ với nhiều công đoạn, từ việc chọn cây trúc, cắt thành từng ống phôi thô, chọn ống phôi chuẩn, phơi khô các ống phôi trong khoảng 2 tuần rồi xử lý uốn cho thẳng ống phôi, đánh bóng, khoét, chỉnh lỗ sáo... Nhờ chịu khó học hỏi, mày mò, anh Hiếu ngày càng làm được nhiều sáo trúc chất lượng, đa dạng mẫu mã, kích thước. Anh thường xuyên đăng lên các trang mạng xã hội cách thổi sáo, cách làm sáo hay. Nhờ giá thành vừa phải nên các sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đó.
Hiện nay, anh Hiếu có lượng đơn đặt hàng ổn định ở khắp các tỉnh thành trong cả nước với mỗi tháng trên 1.000 ống phôi thô và các cây sáo trúc hoàn chỉnh. Chưa đến 30 tuổi, anh hiện có nguồn thu nhập ổn định hằng năm gần 250 triệu đồng (sau khi trừ hết chi phí đầu tư) từ mô hình làm sáo trúc. Tùy theo đơn đặt hàng mà mỗi đợt anh tạo việc làm theo thời vụ cho 4-5 thanh niên địa phương.
Theo anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar, những năm qua, Ban thường vụ Huyện Đoàn kịp thời định hướng, hỗ trợ vốn, tổ chức các cuộc thi cho thanh niên trình bày ý tưởng… Qua đó, khơi dậy trong đoàn viên thanh niên tinh thần khởi nghiệp, tạo ra nhiều mô hình lập nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có mô hình sáo trúc của Đàm Đình Hiếu.