Khởi nghiệp qua lời kể
Qua lời kể của một người bạn cùng lớp, Minh bỗng thấy thích trong người và nuôi ý tưởng táo bạo ra tận Thanh Hóa nhờ bạn “truyền nghề” nuôi rắn hổ mang để về lập nghiệp trên chính quê hương mình.
“Hôm đó, có thằng bạn thân hồi học cùng lớp cao đẳng nó bảo nuôi rắn hổ mang cũng hay và lại cho thu nhập cao, bản thân lại chưa xin được việc làm nên mình tính ra đó học hỏi kinh nghiệm và mua rắn giống về nuôi thử nghiệm”, Minh nhớ lại.
Dù thích thú lắm, nhưng để thuyết phục được gia đình đi học nghề nuôi rắn là cả một vấn đề rất nan giải. Minh bảo, đây có lẽ là khâu khó khăn nhất trong hành trình nuôi rắn của em, vì ai cũng bảo đó là ý nghĩ dại dột, kì quặc, và có thể mất mạng như chơi.
Minh đang kiểm tra đàn rắn của mình
Tuy nhiên, sau nhiều ngày đêm thuyết phục, cuối năm 2012, Minh đã được gia đình đồng ý và em liền khăn gói lên đường đi “khởi nghiệp”. Ra Thanh Hóa một thời gian, Minh đã được người bạn thân và một số chủ trang trại nuôi rắn ở đây “truyền” cho một số kinh nghiệm và cách chăm sóc cũng như tiếp xúc với loài rắn hổ mang.
Sau khi đã nắm vững các khâu kỹ thuật về cách nuôi rắn hổ mang, Minh mạnh dạn mua 100 con giống về nuôi. “Vì đây là một nghề khá mới mẻ và nguy hiểm, nên ban đầu gia đình rất sợ mỗi khi em tiếp xúc với loài vật độc chết người này”, Minh tâm sự.
Hiệu quả kinh tế cao
Rắn một loài vật rất ít bị dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là chuột, ếch nhái và đặc biệt là cóc. Mỗi đêm, thay vì rong chơi vô bổ với đám bạn thì Minh lại ra đồng đặt bẫy và bắt khoảng 1kg chuột và cóc. Sau khi ăn no rắn lại nghỉ ăn 3 ngày, sau đó mới ăn lại, nguồn thức cho rắn lại rất dồi dào và dễ kiếm.
“Những ngày cuối thu em phải tăng cường thêm khẩu phần ăn cho rắn, bởi vì bắt đầu khoảng tháng 10 âm lịch đến tháng 1 năm sau là rắn đã bắt đầu nghỉ ăn”, Minh cho biết. Một sự đam mê kỳ lạ đến khó hiểu của chàng trai 9x, nhưng không hẳn là sự đam mê thiếu thực tế.
Bởi đàn rắn gần 100 con của Minh hiện nay cũng đã đạt từ 1,7 – 2 kg/1con, giá thị trường hiện tại mỗi kg từ 600 đến 800 ngàn. Vì thế, đây là có thể xem là một nghề đem lại hiệu quả cao cho nhiều hộ gia đình và đầu ra cũng khá ổn định vì nhu cầu thị trường đối với loài rắn hổ mang cũng rất lớn.
Nghề nuôi rắn tuy hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng rất nguy hiểm, vì thế trước khi nuôi phải được học hỏi kinh nghiệm rất bài bản và đòi hỏi người nuôi lúc nào cũng phải cẩn thận và phải có công cụ hỗ trợ mỗi khi tiếp xúc với loài động vật hung dữ này.
Theo Minh, rắn hổ mang sinh sản rất nhiều, từ khi sinh ra đến đến 1 năm là rắn có thể cho sinh sản, mỗi lần một con có thể đẻ từ 20 – 25 trứng, và nó có thể sinh sản 2 - 3 lần/năm. Vì thế, người nuôi thể chủ động được nguồn giống nên sẽ bớt được một khoản chi phí rất lớn.
Hiệu quả là vậy, nhưng nuôi rắn cũng là một nghề khá mạo hiểm, bởi lẽ rắn hổ mang rất độc, chỉ cần bị rắn cắn hoặc vết thương hở chẳng may bị dính phải nước bọt của rắn cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, đòi hỏi người nuôi lúc nào cũng phải cẩn thận và phải có công cụ hỗ trợ mỗi khi tiếp xúc với loài động vật hung dữ này. Nói về tương lai, Minh dự định sẽ đầu tư mở rộng về quy mô cũng như cách quảng bá thương hiệu.
“Nhu cầu của thị trường về loài rắn hổ mang là rất lớn, ngoài việc xuất đi các nhà hàng, khách sạn thì rắn còn có tác dụng làm thuốc. Cao rắn hổ mang là nguồn dưỡng chất dồi dào Axid amin, là nguyên liệu thiết yếu để cơ thể tổng hợp các Proteoglycan giúp tăng cường chất dịch giúp giảm đau, bôi trơn, tái tạo và phục hồi sụn khớp bị tổn thương và giải quyết triệt để các chứng viêm nên mình không sợ bị ế hàng”, Minh chia sẻ.