Chàng rể Đài Loan mở lớp vẽ cho trẻ Hà Giang

TP - Một triển lãm đặc biệt mang tên Sơn lục (Sắc xanh của núi) với sáng tác của hơn 30 họa sĩ cùng tác phẩm của các em nhỏ Hà Giang đang diễn ra tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Triển lãm là kết quả dự án nghệ thuật Sao Núi năm thứ tư do một nghiên cứu sinh ngành Việt Nam học đến từ Đài Loan khởi xướng.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn gọi triển lãm là “món quà đẹp đẽ của các nghệ sĩ đương đại cùng những ngôi sao nhỏ thượng ngàn mang về từ núi rừng xanh như một giấc mơ vui cho tất cả chúng ta”.

Người thắp lên “những ngôi sao thượng ngàn” là một nghiên cứu sinh Đài Loan, anh Quách Ngân Vỹ (Kuo Yen Wei) – người đã đến, đã yêu nước Việt, chọn xây hạnh phúc ngay trên cao nguyên đá Đồng Văn và nỗ lực mang đến cho các em nhỏ vùng cao Hà Giang một dự án giáo dục mỹ thuật ý nghĩa.

Chàng rể Đài Loan mở lớp vẽ cho trẻ Hà Giang ảnh 1

Gia đình nhỏ của Ngân Vỹ cùng người cha từ Đài Loan cũng đến dự khai mạc triển lãm Sơn lục.

Từ định mệnh ngọt ngào

Gặp Ngân Vỹ tại buổi khai mạc triển lãm cùng cô vợ xinh đẹp người dân tộc Bố Y và hai cô con gái song sinh Doanh Doanh, Du Du, nhiều người chỉ có thể thầm ghen tị với người đàn ông ngoại quốc trẻ trung và đầy nhiệt huyết này. Hạnh phúc là một món quà xứng đáng dành cho anh, người đã yêu nước Việt như chính xứ sở quê hương của mình.

Năm 2013, đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Quốc gia Hà Nội, Ngân Vỹ tham gia đoàn thực địa của nhà trường lên cao nguyên đá Đồng Văn. Trong số nhân viên Ban quản lý cao nguyên đá Đồng Văn tiếp đoàn thực địa hôm ấy có cô gái người dân tộc Bố Y tên Ngũ Thị Bích Huệ. Ngân Vỹ gọi đó là “cơ duyên”.

Quen nhau khoảng một năm, Vỹ và Huệ tổ chức đám cưới. Anh thật thà khai rằng đám cưới không phải là quyết định của hai bạn trẻ mà “của hai em bé”. Huệ đã mang song thai. Dù hôn nhân không hoàn toàn là chủ ý của Vỹ, nhưng anh hài lòng và hạnh phúc với sự sắp đặt của số phận. Đến từ một đất nước mà lứa người trẻ như anh hiện rất lười yêu và càng lười kết hôn hơn, tình yêu và gia đình với cô gái Việt Nam của Vỹ quả là định mệnh ngọt ngào. Còn Bích Huệ cứ cười giòn tan, rạng rỡ khi kể về chồng, gia đình chồng và các con, về hiện tại và tương lai.

Ngoài yêu vợ con, Ngân Vỹ yêu núi rừng Việt Nam, yêu những em bé dân tộc và hứng thú sâu sắc với mỹ thuật đương đại Việt. Những tình yêu này xây lên một mối lương duyên đẹp đẽ khác. Đó là dự án giáo dục từ thiện Sao Núi dạy vẽ cho trẻ em miền núi.

Chàng rể Đài Loan mở lớp vẽ cho trẻ Hà Giang ảnh 2

Các họa sĩ nhí của trường tiểu học Đông Hà, Quản Bạ, Hà Giang bên tác phẩm của mình đang được trưng bày tại 29 Hàng Bài - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hương.

Đến giấc mơ thắp sáng những ngôi sao thượng ngàn

Ngay từ thuở sinh viên, Quách Ngân Vỹ đã có mối giao lưu mật thiết với các họa sĩ trẻ tại Hà Nội. Sau khi lập gia đình và định cư tại Hà Giang, Vỹ trở về Đài Loan, vận động các nguồn tài trợ để lập nên dự án thiện nguyện Sao Núi. Nhóm gồm tình nguyện viên từ Nhật Bản, Đức, Trung Quốc sinh sống và học tập tại Việt Nam, kết hợp với các họa sĩ giảng viên thuộc trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, nhóm Sơn Ta Việt Nam, nhóm họa sĩ Black và Beef Shank Studio.

Dự án chủ trương giảng dạy mỹ thuật tình nguyện cho trẻ em ở các vùng sâu xa, khó khăn, kết hợp trải nghiệm sáng tác của họa sĩ trẻ. Xuất phát từ vấn đề của mỹ thuật đương đại mà Ngân Vỹ nhìn thấy: Các họa sĩ thường là người quan sát chứ không phải người tham gia. Vì vậy tác phẩm của họa sĩ đương đại thường có khoảng cách với công chúng. Ngân Vỹ muốn phá bỏ khoảng cách này bằng cách thúc đẩy sự tham gia vào xã hội của họa sỹ. Qua đó, một mục tiêu quan trọng khác cho văn hóa Việt Nam cũng đồng thời được thực hiện: Hỗ trợ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống bản địa ở vùng sâu vùng xa, nơi các dân tộc thiểu số sinh sống. “Thông qua việc giảng dạy mỹ thuật cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số ở miền núi, chúng tôi muốn khơi lên tình yêu với thiên nhiên và văn hóa bản địa của các em để khuyến khích duy trì bản sắc dân tộc cho các em”, Vỹ giải thích.

Từ 2014 đến nay, với hơn 30 thành viên thường trực, Sao Núi đã vẽ bích họa tại các trường tiểu học, dạy vẽ cho hơn 500 học viên 6- 20 tuổi tại các xã vùng cao Hà Giang và huyện đảo Cô Tô. Cuối mỗi mùa dự án là triển lãm tại 29 Hàng Bài nơi họa sĩ cùng các học trò miền núi cùng bày tác phẩm. Các triển lãm sau đó đều được đưa sang Đài Loan trưng bày tiếp. Nhiều tác phẩm từ các triển lãm này đã ở lại trong các bộ sưu tập mỹ thuật tại Đài Loan.

Ngoài việc nghiên cứu ở ĐH Quốc gia Hà Nội, Quách Ngân Vỹ tích cực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như một giám tuyển, chuyên giới thiệu họa sĩ Việt Nam sang thị trường Đài Loan. Bố anh - Quách Minh Huy là nhà sưu tập, có phòng tranh riêng tại Đài Loan. Ông ủng hộ và giúp đỡ con trai rất nhiều trong dự án Sao Núi.

MỚI - NÓNG