Chàng có HIV lấy nàng khỏe mạnh

Anh Ong Văn Tùng trao đổi với một bạn trẻ về HIV
Anh Ong Văn Tùng trao đổi với một bạn trẻ về HIV
TP - Cộng đồng những người có HIV ở Hà Nội gọi vui vợ chồng anh Ong Văn Tùng (39 tuổi) và chị L. (nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội) là cặp đôi trái dấu, bởi lẽ anh Tùng mang trong mình căn bệnh thế kỷ, còn vợ anh thì không. Họ sinh được cậu con trai hoàn toàn khỏe mạnh.
Anh Ong Văn Tùng trao đổi với một bạn trẻ về HIV
Anh Ong Văn Tùng trao đổi với một bạn trẻ về HIV . Ảnh: Thái Hà

Anh Tùng kể, một ngày cuối năm 1997, khi biết tin mình có HIV, anh thấy cả bầu trời sụp xuống, mọi khát khao, cố gắng để gây dựng cơ nghiệp tan vỡ. Nghĩ mình sẽ chết rất nhanh bởi căn bệnh nan y này, Tùng chán nản, sống buông thả, tiêu xài gần hết số tiền cả trăm triệu đồng tích cóp trong những tháng ngày trước khi biết mình có HIV.

Giữa lúc khó khăn ấy, bạn bè, gia đình luôn bên cạnh nâng đỡ cả tinh thần và sức khỏe cho anh. Họ đã đánh thức suy nghĩ tích cực trong đầu chàng trai 26 tuổi khi đó. Cuộc sống phải tiếp diễn, phải làm việc nếu không sẽ trở nên vô nghĩa. Tùng trở lại với công việc cắt nhôm kính yêu thích trong một cửa hàng nhỏ nhưng đông khách ở ngoại thành Hà Nội.

Trong những cuộc vui với bạn bè, Tùng gặp L.- cô gái có thân hình nhỏ nhắn, đôi mắt to với ánh nhìn dịu dàng và nụ cười hiền hậu. L. không mấy e ngại khi bạn bè cho biết Tùng có HIV. Những chuyện trò, chia sẻ và hai trái tim đồng điệu đưa họ xích lại gần nhau.

Tùng không dám nghĩ đến một mối tình với cô gái gốc Hà Nội, nhưng trái tim anh luôn loạn nhịp mỗi khi nghĩ về L. Rồi L. là người bộc lộ tình cảm trước, bởi cô hiểu sự e ngại đè nặng trong suy nghĩ của Tùng. Sau 3 năm yêu nhau, L. là người quyết định sẽ kết hôn với người đàn ông mang bệnh nan y. Lúc đó, người thân trong gia đình L. không hay biết Tùng có HIV.

Giờ đây, chị em của L. đã có người biết Tùng mang HIV trong cơ thể, nhưng họ thông cảm và chia sẻ điều đó với hai vợ chồng. Họ sống hạnh phúc bên nhau, cùng tham gia nhóm Vì ngày mai tươi sáng với các hoạt động chăm sóc, tư vấn cho người có HIV trên địa bàn Hà Nội.

Niềm mong mỏi có con vẫn hằng ngày xuất hiện trong suy nghĩ của hai vợ chồng. Nhưng nỗi lo truyền căn bệnh thế kỷ cho người vợ thân yêu và nguy cơ đứa con bé bỏng bị lây bệnh khiến Tùng trăn trở, lo lắng.

Sự liều lĩnh may mắn

Hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được tư vấn. Các bác sĩ đều chung một lời khuyên không nên có con vì rủi ro rất cao. Họ chuyển hướng vào Nam tìm cơ hội may mắn dù nhỏ nhoi. Chuẩn bị lên đường thì cả hai nhận được thông tin từ đôi vợ chồng người bạn có chung hoàn cảnh: ngoài Bắc khuyên thế nào thì trong Nam cũng khuyên thế ấy.

Nhờ người thân liên lạc hộ, hai vợ chồng được một bệnh viện tư nhân ở Chiềng Mai (Thái Lan) nhận thụ tinh trong ống nghiệm với chi phí tính ra tiền Việt Nam khi đó khoảng 150 triệu đồng. Khoản tiền quá lớn so với những gì đôi vợ chồng trẻ tích cóp được.

Các bác sĩ ở Chiềng Mai cho biết, sau khi có kết quả khám phần phụ của người vợ không có bệnh gì, buồng trứng hoạt động tốt, hai vợ chồng phải ở lại bệnh viện tại Thái Lan 21 ngày để thực hiện các thủ thuật lọc rửa tinh trùng, lấy trứng, thụ tinh trong ống nghiệm, đặt phôi và chờ đợi xem đậu thai hay không.

Để tiết kiệm chi phí, chồng có thể về nước trước nhưng người vợ thì không thể nóng vội ra về. Các bác sĩ sẽ cố gắng thực hiện kỹ thuật đặt phôi 3 lần, nếu lần đầu tiên thất bại. Với lần thứ 2 và thứ 3 đặt phôi, chi phí giảm còn 500-2.000 USD/ lần.

Hai vợ chồng lo lắng vô cùng bởi xác suất thành công của mỗi lần đặt phôi tùy thuộc vào tuổi của người vợ, nếu vợ từ 25-30 tuổi, khả năng thành công là 40%, nếu vợ từ 30-35 tuổi, khả năng đậu thai chỉ còn 28%.

Suy đi tính lại cặn kẽ, cả hai từ bỏ ý định sang Thái Lan để thực hiện ước mơ có con. Họ quyết định một nước đi táo bạo và đầy rủi ro: có con theo cách truyền thống. Chị L. siêu âm để căn ngày rụng trứng và họ liều mình...

Ngay sau khi gặp nhau, chị L. uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Còn anh Tùng, trước khi quyết định thực hiện ván bài quyết định của cuộc đời đã sử dụng thuốc ARV (thuốc kháng virus) trong vòng hơn nửa năm để giảm thiểu nguy cơ lây HIV sang vợ.

Ngày chị L. thử que thử thấy hiện hai vạch màu hồng nhạt báo hiệu có thai, hai vợ chồng mừng muốn khuỵu đầu gối xuống. Niềm vui đến bất ngờ nhưng cũng kéo theo những lo lắng thường trực: liệu mẹ và con có nhiễm HIV không? Các xét nghiệm sau đó được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ đều cho kết quả chị L. âm tính với HIV. Cuối cùng, chị L. hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh.

Sự ra đời của cậu bé được mọi người ví như trúng số độc đắc dành cho đôi vợ chồng trẻ, là phần thưởng quý giá và xứng đáng cho tình yêu mãnh liệt và đầy may mắn của Tùng và L. Cậu bé chào đời khỏe mạnh, xinh xắn đã mang lại bao hy vọng có được những đứa con bình thường với những người không may mắc căn bệnh thế kỷ.

Anh Tùng chia sẻ: “Trong sự liều lĩnh của chúng tôi, còn có cả việc tự học hỏi kiến thức về quan hệ tình dục khi có HIV, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ rồi mới thực hiện bước đi táo bạo đầy may rủi đó”.

Mỗi năm, khoảng 7.000 phụ nữ mắc HIV sinh con

Hôm qua, tại Hội nghị tổng kết 20 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết tính đến ngày 30-9 cả nước có 226.680 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện, trong đó hơn 48.000 người đã tử vong.

Tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ có thai đang tăng dần; mỗi năm có khoảng 7.000 phụ nữ nhiễm HIV sinh con. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết nếu không có các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền mẹ con sẽ có khoảng 2.000 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.

Một số đánh giá về phòng lây truyền mẹ con gần đây cho thấy tỷ lệ điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho sản phụ mắc HIV tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư trong 10 năm qua là 80-90%. Số sản phụ được tiếp cận thuốc ARV (thuốc kháng virus) cả khi mang thai và khi chuyển dạ chiếm 81,3% tổng số phụ nữ mang thai đến sinh con. TS Tiến đánh giá đây là một tỷ lệ khá cao sau nhiều năm thực hiện chương trình phòng lây truyền mẹ con.

Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù chương trình dự phòng lây truyền HIV chưa được đồng bộ trên toàn quốc nhưng số trẻ được cứu thoát khỏi việc nhiễm HIV từ mẹ không ngừng tăng theo từng năm. Theo thống kê giai đoạn 2006-2009, có 1.090 trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.