Chặn lợi ích nhóm, 'sân sau' của các dự án hợp tác công tư thế nào?

KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hàng trăm năm đối với các dự án BT, BOT
KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hàng trăm năm đối với các dự án BT, BOT
TPO - “Để tránh “sân sau”, lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án PPP, cần có thêm vai trò Kiểm toán nhà nước để đánh giá, xác nhận, kết luận… tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư, cũng như kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho hay.

Ngày 3/3, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo “Dự án PPP (hình thức đầu tư hợp tác công- tư) và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã gặp rất nhiều vấn đến liên quan đến quản lý, điều hành, khai thác các dự án PPP và đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận xã hội. Việc đầu tư nhiều dự án giao thông dưới hình thức PPP trên các tuyến quốc lộ, dẫn đến tình trạng phí chồng phí, tăng chi phí vận chuyển hàng hóa…

Bên cạnh đó, công tác quản lý còn nhiều bất cập, việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu, chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm. Quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện vẫn còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án; tiến độ góp vốn của các nhà đầu tư chưa như cam kết nhưng thiếu chế tài xử lý; việc tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện dự án còn chưa thật sự nghiêm túc.

Ngược lại, theo GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, các nhà đầu tư cũng lo ngại về tính ổn định của việc hợp tác, các dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Vì vậy, rủi ro khi chính sách thay đổi là hiện hữu đối với nhà đầu tư, dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu… “Điều này gián tiếp làm tăng chi phí của bản thân dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế”, ông Đoàn Xuân Tiên cho hay.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước dẫn chứng kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách như: Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát.

Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao… Từ những kết quả trên, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hàng trăm năm đối với các dự án BT, BOT, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

Chặn lợi ích nhóm, 'sân sau' của các dự án hợp tác công tư thế nào? ảnh 1 Các đại biểu tham dự và phát biểu tại hội thảo

Không để đối tượng gây thiệt hại bình an vô sự 

Tuy nhiên tại hội thảo, GS. Đoàn Xuân Tiên cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, điển hình như một số văn bản pháp luật chưa có sự đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước. Đặc biệt, tại dự thảo Luật PPP lại chưa coi dự án PPP là dự án đầu tư công. Các tài sản hình thành từ dự án PPP không phải là tài sản công mà chỉ coi phần “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” và “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” là tài sản công. Và Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán phần này thay vì coi cả dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP đều là tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công là đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Bình cho rằng, để nâng cao vai trò của Luật và hiệu quả đầu tư của dự án PPP, giải pháp chống thất thoát, lãng phí là cần phải cho Kiểm toán nhà nước tham gia vào dự án ngay từ đầu. Muốn vậy cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro.

Theo ông Phương, “chìa khóa” giải pháp nằm ở chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả; vừa thu hút khu vực đầu tư tư nhân, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này nhưng đồng thời phải ràng buộc được trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng, tránh sự đổ lỗi cho yếu tố chủ quan.

“Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân thì bình an vô sự. Quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là, trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng. Thực tế có không ít những dự án đã gây thiệt hại cho Nhà nước mà người thẩm định lại vô can.

Ngoài ra, để tránh việc “sân sau”, lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án PPP, cần có thêm vai trò Kiểm toán nhà nước để đánh giá, xác nhận, kết luận… tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư, cũng như kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, ông Phương cho hay.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.