Chân dung những ‘nữ tướng’ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019

TPO - Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, trong đó có 20 nữ doanh nhân được vinh danh đều có nhiều cái tên quen thuộc.

Nhân dịp 8/3, Tiền Phong giới thiệu một số nữ doanh nhân thành đạt nhất trên thương trường Việt.

Chân dung những ‘nữ tướng’ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 ảnh 1 Những "nữ tướng" ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019. Từ trái xuống: bà Mai Kiều Liên, bà Cao Thị Ngọc Dung, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Nguyễn Thị Nga, bà Thái Hương, bà Lê Hồng Thủy Tiên

Nhắc đến Vietjet Air, người ta nhớ ngay đến nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air . Bà Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, từng học tập tại Nga. Bà lấy bằng tiến sĩ kinh tế năm 27 tuổi.

Bà Thảo đầu tư vào nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, thế nhưng nữ tỷ phú này được biết đến nhiều với tư cách CEO Vietjet Air.

Năm 2018 là năm vị nữ tỷ phú USD của Việt Nam nhận được nhiều sự công nhận từ quốc tế. Bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 (xếp ở vị trí thứ 44) của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.

Năm 2018 cũng là một năm thành công của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi cả Vietjet và HDBank đều ghi nhận kết quả kinh doanh rất ấn tượng. HDBank có mức tăng lợi nhuận trước thuế lên đến 66%, đạt 4.005 tỷ đồng. Trong khi đó với Vietjet đạt tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng trong năm qua, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

“Đế chế trang sức” PNJ từng cán mốc doanh thu 10.000 tỷ vào năm 2009, tiếp tục tăng lên gần 14.000 tỷ vào năm 2010 và cán mốc 18.000 tỷ vào năm 2011. Năm 2017, PNJ mới trở lại mốc “doanh thu vạn tỷ” với 11.049 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận đã gấp 3,3 lần năm 2009, gấp 3,4 lần năm 2010 và gấp 2,9 lần năm 2011. Hay theo cách tính toán khác, lợi nhuận năm 2017 của PNJ cao hơn lợi nhuận của cả năm 2009, năm 2010 và năm 2011 cộng lại.

Thành quả ấy gắn liền với sóng gió cuộc đời và nỗ lực thay đổi PNJ của một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á - bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ.

Hiện, thị phần PNJ đang bỏ xa các thương hiệu cùng ngành với hệ thống phân phối gần 300 cửa hàng ở khắp 48 tỉnh, thành trong cả nước. Trang sức PNJ cũng được xuất khẩu sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Nữ hoàng” ngành sữa Việt- Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk sau khi tốt nghiệp cấp III, bà sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và thịt tại Matxcơva.

Trở về nước, bà Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Bà cũng là người tiên phong trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sớm đưa Vinamilk trở thành DNNN đầu tiên cổ phần hóa với chiến lược phát triển đầy trí tuệ, kết hợp hài hòa giữa đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại song song với đào tạo nguồn nhân lực cùng mô hình điều hành, quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

Năm 2018, Vinamilk đạt lợi nhuận trước thuế 12.039 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.198 tỷ đồng. 

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á dưới sự điều hành của mình, năm 2018, BacABank gây ấn tượng với lợi nhuận trước thuế 842 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức thấp, chỉ 0,76%. Tổng tài sản 97.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ở mức gần 64.000 tỷ đồng. 

Năm vừa qua cũng là năm bà Thái Hương tiếp tục đón tin vui về kết quả kinh doanh. Theo số liệu đo lường bán lẻ toàn thị trường thành thị do Nielsen cung cấp thì trong 11 tháng đầu năm 2018, sữa TH True Milk tăng trưởng gần 22% về sản lượng (trong khi cả ngành hàng sữa nước hầu như không tăng), tăng trưởng 30% về doanh thu. Tới nay thị phần của TH True Milk trong phân khúc sữa tươi tại các kênh bán lẻ thành thị đạt gần 40%.

Một “nữ tướng” quyền lực khác là bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG.

Tập đoàn BRG là tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành với hơn 21.600 người lao động, bên cạnh những lĩnh vực hoạt động như sân gôn, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, tập đoàn BRG đang tập trung thúc đẩy các mảng sản xuất như ô tô thương mại, tinh bột sắn, sản xuất nông sản… đồng thời đẩy mạnh mảng xuất khẩu các sản phẩm nổi bật như Gốm Chu Đậu, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, hạt điều… 

Đây là năm đầu tiên, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP có tên trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes công bố. Hiện, bà Thủy Tiên đang điều hành 18/32 công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương với trên 96 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Năm 2013, bà Thủy Tiên được tờ Guardian nhận định là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực các mặt hàng xa xỉ của thế giới, cùng các khu siêu thị và thương mại lớn. Doanh nghiệp này đang phân phối nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex… và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts… với doanh thu đang hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.

MỚI - NÓNG