Chân dung người thừa kế đời thứ tư của đế chế LG

Koo Kwang-mo tốt nghiệp đại học tại Mỹ, từng lọt danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc với tài sản 720 triệu USD.
Chân dung người thừa kế đời thứ tư của đế chế LG ảnh 1

Cố Chủ tịch LG - Koo Bon-moo (trái) và Koo Kwang-mo. Ảnh: Korea Herald

LG Group - tập đoàn đa ngành lớn thứ 4 Hàn Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao quyền lực, sau khi Chủ tịch Koo Bon-moo qua đời hôm Chủ nhật (20/5). Koo Kwang-mo, con nuôi của ông Bon-moo đã được cấp tốc chỉ định làm thành viên Hội đồng quản trị công ty tuần trước, khi Chủ tịch LG nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Dù vậy, việc bổ nhiệm này còn cần được thông qua tại Đại hội cổ đông bất thường tuần tới.

Koo Kwang-mo là con của Koo Bon-neung - em trai ông Bon-moo. Ông được nhận nuôi năm 2004, sau khi con trai ông Bon-moo qua đời vì một tai nạn. Theo quy định của LG, phụ nữ trong gia đình không được tham gia quản lý. Kwang-mo sẽ là thế hệ thứ tư của gia đình Koo điều hành đế chế LG.

Ông năm nay 40 tuổi, gia nhập LG Electronics năm 2006. Từ đó, ông đã làm việc cho chi nhánh tại Mỹ, phụ trách mảng đồ gia dụng, thiết bị giải trí tại gia. Hiện tại, ông là lãnh đạo mảng màn hình của LG Electronics. Tuần trước, đại diện LG khẳng định Kwang-mo “đã gây dựng đủ năng lực lãnh đạo doanh nghiệp thông qua việc rèn luyện”.

Theo Forbes, Kwang-mo từng lọt danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2017 với tài sản 720 triệu USD. Ông tốt nghiệp đại học tại Mỹ, chuyên ngành kỹ sư, sau đó lấy bằng thạc sĩ quản trị.

Vai trò và chức vụ của Kwang-mo sẽ được xác định sau Đại hội cổ đông tháng 6. “Đúng là tập đoàn sẽ có một hệ thống quản lý mới, trọng tâm là Koo Kwang-mo với 6 CEO chuyên nghiệp thực hiện các vai trò bổ sung. Sau một số quy trình nhất định, ông ấy được kỳ vọng sẽ tham gia ra các quyết định chủ chốt cho việc kinh doanh”, một lãnh đạo cấp cao tại LG cho biết trên Korea Herald.

Tuy nhiên, nguồn tin trên cho biết kinh nghiệm quản lý của Kwang-mo khá ít ỏi, với chỉ 5 năm. Vì vậy, người này nghi ngờ khả năng ông leo lên vị trí cao nhất ngay lập tức.

Giới quan sát thì cho rằng sau một thời gian, Koo có thể lãnh đạo một công ty con, như các đời chủ tịch trước. Đó có thể là LG Display, mảng sinh học của LG Chem hoặc một mảng của LG International Corp.

Việc thừa kế của Kwang-mo cũng được dự báo sẽ suôn sẻ, do theo truyền thống của LG, khi con trai cả của người đứng đầu nhậm chức, các anh em khác sẽ phải rời vị trí quản lý. Việc này nhằm tránh đấu đá giữa các thành viên trong gia đình sở hữu công ty, và giúp người con cả củng cố quyền quản lý.

“So với các chaebol khác, LG có vẻ sẽ ít xung đột về việc thừa kế quản lý, như đấu đá giữa các anh em”, Park Ju-gun - Giám đốc hãng phân tích doanh nghiệp CEO Score nhận định.

Một vấn đề khác với Kwang-mo là thuế thừa kế. LG đã lập ra công ty sở hữu - LG Corporation năm 2003, để đơn giản hóa việc quản trị doanh nghiệp. Khi Kwang-mo trở thành cổ đông lớn nhất của LG Corp, ông sẽ có quyền kiểm soát toàn bộ tập đoàn. Kwang-mo hiện là người có cổ phần lớn thứ 3 trong LG Corp, với 6,24%. Ông Bon-moo nắm 11,28%. Khi thừa kế toàn bộ cổ phần từ cha nuôi, Kwang-mo sẽ là cổ đông lớn nhất, đồng nghĩa với việc phải trả khoản thuế lên tới 1.000 tỷ won (924 triệu USD). Theo luật Hàn Quốc, nếu tài sản thừa kế trên 3 tỷ won, người nhận sẽ phải nộp thuế 50%. Giá trị hơn 11% cổ phần của ông Bon-moo ước tính khoảng 1.900 tỷ won.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.