Chân dung đại gia Thái Lan nghi thâu tóm Melia Hà Nội
> Danh sách 'đen' 11 đại gia bị truy thu gần 11 tỷ thuế cá nhân
> Ông Nghiêm Xuân Thành có thể sẽ là TGĐ Vietcombank
Được biết đến là người giàu thứ 2 Thái Lan nhưng không phải ai cũng biết về đời tư của ông trùm "ưa phá bĩnh" Charoen Sirivadhanabhakdi.
Cuộc đời cổ tích
Nhiều người có thể biết Charoen Sirivadhanabhakdi với các danh hiệu rất “kêu” như “người giàu nhất thứ 2 Thái Lan”, người giàu thứ 82 thế giới với tổng tài sản lên đến 10,6 tỷ USD. Đây là số liệu được cập nhật trong tháng 7/2013.
Một điều nữa khiến ông Charoen Sirivadhanabhakdi trở nên nổi tiếng chính là việc ông bị dư luận tặng “danh hiệu” “kỳ đà cản mũi”, “người ưa phá bĩnh” khi liên tục chen ngang vào các vụ thâu tóm đình đám thế giới.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi . |
Thế nhưng, không phải ai cũng biết về đời tư của ông. Báo chí phương Tây đánh giá, cuộc đời Charoen Sirivadhanabhakdi giống như một câu chuyện cổ tích. Ông đã không ngừng nỗ lực vươn lên từ “đáy” xã hội để trở thành một trong những người đàn ông quyền lực nhất Thái Lan.
Giống như hầu hết tất cả các ông trùm Thái Lan, ông Charoen là người Trung Quốc. Ông là con thứ 6 trong gia đình gồm 11 con. Gia đình ông chuyển tới Bangkok từ miền nam Trung Quốc. Cho tới tận ngày nay, bên cạnh tiếng Thái, ông Charoen vẫn sử dụng tiếng Triều Châu để tỏ lòng nhớ thương quê hương.
Mặc dù kinh doanh đường phố nhưng gia đình ông rất nghèo. Ông phải bỏ học rất sớm để đi làm. Sự học của ông kết thúc ở năm ông lên 9 tuổi, trải qua nhiều năm lao động vất vả, ông bắt đầu sự nghiệp khi cung cấp nhà máy chưng cất sản xuất whisky. Sau đó, nhờ vào các mối quan hệ mới thiết lập, ông đã xin được giấy phép sản xuất cho đồ uống có cồn riêng của mình.
Vợ ông là Khunying Wanna. Đây là người đàn bà khá bí ẩn. Ông có 5 người con. Các con ông đều được hưởng nền giáo dục hàng đầu ở nước ngoài. Sau khi về nước, tất cả họ đều sống cùng cha mẹ trong một căn nhà 10 tầng ở trung tâm Bangkok và làm việc cho Tập đoàn gia đình.
Con trai ông, Thapana Sirivadhanabhakdi đang là giám đốc điều hành tại ThaiBev, con gái ông Wallapa là giám đốc điều hành của TCC Land, một cánh tay đắc lực của ông. Cậu út Panote Sirivadhanabhakdi là thành viên Hội đồng quản trị F&N.
Đi lên từ đồ uống có cồn
Mặc dù thành công trong rất nhiều lĩnh vực nhưng điều làm nên thành công cho Charoen Sirivadhanabhakdi chính là đồ uống có cồn. Tuổi thơ và thời thanh niên của ông gắn liền với loại nước uống này.
Sau bao nỗ lực không mệt mỏi, đến giữa những năm 1980, ông đã nắm trong tay tất cả các hoạt động sản xuất lớn của nhà nước. Ông cũng kiểm soát toàn bộ thị trường đồ uống giá rẻ.
Thapana Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Thaibev . |
Trong năm 1991, ông Charoen hợp tác với Carlsberg để tấn công thị trường bia đang phát triển mạnh mẽ ở Thái Lan. Tại thời điểm đó, thị trường Thái đang bị công ty 60 năm tuổi Boon Rawd chi phối với thương hiệu bia Singha.
Theo kế hoạch ban đầu, hãng bia của Charoen sẽ sản xuất Carlsberg. Ông sử dụng lực lượng bán hàng và tiếp thị của Thai whiskey để tiêu thụ sản phẩm. Nhưng 3 năm sau đó, dựa vào những gì đã học được từ Carlsberg, ông bắt đầu sản xuất bia cho riêng mình. Loại bia này mang tên Chang (voi ở Thái).
Bằng chiến lược giá rẻ, ông khiến Chang ngày càng trở nên tiềm năng hơn so với Singha. Đi kèm với kế hoạch tiếp thị mạnh mẽ và đúng hướng, bia Chang sớm bành trướng thị trường Thái. Chỉ sau 5 năm từ ngày ra đời, Chang đã chiếm 60% thị phần ở Thái Lan.
Với sự phát triển mạnh mẽ của Chang, liên doanh giữa Charoen và Carlsberg đi đến kết quả tất yếu là tan vỡ. Năm 2003, Carlsberg rút ra khỏi liên doanh. Charoen kiếm được món hời từ sự đổ vỡ này sau khi thắng kiện Carlsberg và kiếm được 120 triệu USD tiền bồi thường.
Cuối những năm 1990, cả nền kinh tế Thái rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Hai công ty tài chính của ông Charoen sụp đổ. Chính phủ tư nhân hóa các nhà máy chưng cất rượu thuộc nhà nước. Đây là lĩnh vực từng mang lại rất nhiều lợi nhuận cho ông Charoen. Chính vì vậy, công việc kinh doanh của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, với lợi thế nhiều tiền mặt, ông đã dễ dàng lật ngược tình thế. Ông biến khủng hoảng thành cơ hội tiến lên khi củng cố được vị thế của mình trên trương trường bằng tiền mặt và các kế hoạch kinh doanh hoàn hảo.
Ông dùng lượng tiền khổng lồ của mình để mua lại tài sản và đất đai của doanh nghiệp khác với giá siêu rẻ. Ông giúp nhiều người ra khỏi khó khăn. Khi chính trị và doanh nghiệp kết nối với nhau, ông được ủng hộ rất nhiều. Ông đã trở thành một trong những người quyền lực nhất Thái Lan.
Từ sau cuộc khủng hoảng 1997, ông bắt đầu chú ý đến bất động sản. Trong thập kỷ qua đế chế của ông đã phát triển mạnh mẽ. Ông mua lại cổ phần bất động sản khổng lồ bao gồm vùng rộng lớn đất nông nghiệp ở Thái Lan và các nước láng giềng như Campuchia, cũng như các khách sạn và toàn bộ khối căn hộ.
Ông sở hữu Công ty bất động sản Fraser & Neave (F&N). Ngoài ra, ông còn sở hữu nhiều bất động sản sang trọng tại Châu Á, Úc, Mỹ. Ông cũng nắm giữ cổ phần kiểm soát trong chuỗi nhà hàng Thái, công ty đóng chai, Berli Jucker. Đây là công ty ông đang sử dụng để mở rộng thị trường cửa hàng tiện lợi.
Mọi thứ đột ngột thay đổi trong năm 2005 khi ông tập hợp tất cả các loại đồ uống của mình dưới một cái tên duy nhất ThaiBev. Cổ phiếu ThaiBev được giao dịch trên thị trường chứng khoán Bangkok.
Cũng trong khoảng thời gian này ông gây chú ý khi cố gắng mua câu lạc bộ bóng đá Liverpool vào năm 2004. Tuy nhiên, thương vụ này thất bại, ông lại quay ra ký hợp đồng tài trợ cho Everton.
“Ông trùm thâu tóm” đổ tiền vào Việt Nam
Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi bị coi là “ông trùm phá bĩnh” khi ông kiếm được rất nhiều tiền từ các thương vụ thâu tóm đình đám và từ các vụ kiện tụng ầm ĩ.
Đầu tiên là trong cuộc chiến trước đây với hãng bia Đan Mạch Carlsberg, Charoen ban đầu thậm chí đòi đối thủ này phải bồi thường thiệt hại với số tiền lên tới 2 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó, số tiền mà ông nhận được “chỉ” là 120 triệu USD.
Gần đây, Charoen Sirivadhanabhakdi tiếp tục gây náo loạn khi bất ngờ nhảy vào thương vụ sắp hoàn tất giữa Heineken-Tiger. Cuộc chiến về giá này đã làm gia tăng giá trị cổ phần mà con rể Charoen nắm giữ trong APB thêm khoảng 134 triệu USD vì đẩy giá cổ phiếu của hãng này trên thị trường tăng.
Sẵn sàng gây hấn với các ông lớn thế giới để kiếm tiền, Charoen Sirivadhanabhakdi lại rất có thiện chí với thị trường Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ nét trong hợp tác với công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM) để thành lập liên doanh CTAMAD - SAS Trading Ltd, đơn vị điều hành khách sạn Melia Hà Nội. Sau hơn 10 năm, liên doanh này vẫn hoạt động hiệu quả.
Tại Việt Nam, ngoài Melia Hà Nội, ông Charoen Sirivadhanabhakdi còn sở hữu nhiều công ty khác sau quá trình thâu tóm. Hiện tại, các công ty con của ông còn sở hữu tòa tháp Melinh Point Tower tại trung tâm Tp.HCM hay Fraser Suites Hà Nội, chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart, doanh nghiệp bán lẻ Thái An, chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi,…
Theo Bảo Linh
VTC News