Tạp chí Fortune (Mỹ) vừa công bố danh sách 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các đại diện năm nay đến từ 11 quốc gia, thuộc nhiều lĩnh vực, từ tài chính, năng lượng, vận tải, thực phẩm, đồ uống, nhà hàng, khách sạn.
Việt Nam có 3 đại diện trong danh sách, gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên và Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm.
Theo Fortune, bảng xếp hạng 100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á ghi nhận những phụ nữ đang thiết lập lại khái niệm lãnh đạo bằng cách chuyển đổi công ty, thay đổi diện mạo ngành và thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng kinh doanh, truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Đây là năm đầu tiên Fortune thực hiện đánh giá và công bố danh sách này cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ghi nhận nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất và ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trên thế giới.
Ba đại diện của Việt Nam trong danh sách được vinh danh. |
Danh sách này được xây dựng với 5 tiêu chí, gồm: Quy mô và sự phát triển của doanh nghiệp; tầm nhìn chiến lược; thúc đẩy sự đổi mới, tạo ra đột phá; tầm ảnh hưởng đối với lĩnh vực kinh doanh và nền kinh tế; danh tiếng và tác động xã hội.
Năm nay, các nữ lãnh đạo, doanh nhân tiêu biểu được vinh danh đến từ 11 quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, trải rộng ở nhiều lĩnh vực như tài chính, thực phẩm đồ uống, năng lượng, vận tải…
Bà Mai Kiều Liên - thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) - đã có những dấu ấn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành sữa Việt Nam, qua đó góp phần vào sự phát triển của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.
Bà Mai Kiều Liên. |
Bà Mai Kiều Liên làm việc tại Vinamilk từ ngày đầu thành lập, có 32 năm dẫn dắt doanh nghiệp với cương vị tổng giám đốc. Bà Liên cũng là nữ doanh nhân hiếm hoi được trao tặng Huân chương độc lập hạng Ba và nhiều lần được vinh danh trong top nữ doanh nhân quyền lực của Việt Nam và châu Á; là nữ doanh nhân Việt Nam duy nhất được Forbes Việt Nam vinh danh thành tựu trọn đời.
Bà Mai Kiều Liên, với vai trò thành viên Hội đồng quản trị VNM nhận mức thù lao gần 2 tỷ đồng năm 2023. Bà Liên được trả mức lương trung bình 400 triệu đồng/tháng (4,8 tỷ đồng/năm) cho vị trí tổng giám đốc. Tổng cộng năm trước, bà Liên nhận lương và thù lao khoảng 6,8 tỷ đồng.
Người thứ hai được vinh danh trong top phụ nữ quyền lực nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Chủ tịch Hội đồng quản trị VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo bắt đầu kinh doanh vào khoảng năm 1988, khi còn là sinh viên năm thứ hai ngành Tài chính và kinh tế ở Moscow. Lúc đầu, có ít vốn, bà nhận các mặt hàng quần áo, thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng từ nhà cung cấp ở Nhật, Hồng Kông - Trung Quốc và Hàn Quốc rồi bán ở Nga.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo. |
Trong vòng 3 năm kinh doanh đầu tiên, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD. Sau đó, bà chuyển sang buôn thép, máy móc, phân bón và các mặt hàng khác. Khi trở về Việt Nam, bà tham gia sáng lập hai ngân hàng là Techcombank và VIB.
Tuy nhiên, tên tuổi của bà được biết đến nhiều hơn khi sáng lập hãng hàng không giá rẻ VietJet năm 2011. Bà Thảo cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách của Forbes nhiều năm qua, hiện sở hữu tài sản 2,9 tỷ USD.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Sacombank. Bà Diễm gia nhập ngân hàng này từ năm 2002. Bà Diễm đã từng đảm nhiệm các công việc thuộc lĩnh vực kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ và đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành tại phòng giao dịch, phòng nghiệp vụ chi nhánh, văn phòng khu vực TPHCM, toàn khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên…
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm. |
Trước khi được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Sacombank, bà Diễm là quyền Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách hoạt động xử lý nợ - một trong những hoạt động trọng yếu đang được Sacombank tập trung thực hiện theo định hướng của Đề án tái cơ cấu ngân hàng sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.