Vụ tiêu cực tại Ban QLDA Đại lộ Đông Tây, TPHCM:

Chấn động vụ bắt ông Huỳnh Ngọc Sỹ và Lê Quả

Chấn động vụ bắt ông Huỳnh Ngọc Sỹ và Lê Quả
TP - Sự kiện ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt giam chiều qua, 11/2, vì tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gây chấn động dư luận, bởi trước đó, nhiều thông tin lan nhanh trong dư luận cho rằng vụ việc có thể chìm xuồng.

>> Khởi tố, bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sỹ

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, SN 1953, xuất thân từ lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM.

Giai đoạn 1995 - 1999 bị can này là GĐ Cty TNXP TPHCM.  Từ 1999 - 10/2000, ông giữ chức Chỉ huy phó Lực lượng TNXP TPHCM.

Sau đó chính thức giữ chức Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chánh (nay là Sở GTVT), kiêm GĐ BQLDA  từ 10/2000.

Thậm chí ngay trong Tết, có nhiều thông tin còn đồn đoán rằng, ông Sỹ xuất cảnh qua Canada chữa bệnh, dù trước đó, Tiền Phong là tờ báo duy nhất đưa thông tin khẳng định, ông Sỹ đã bị Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh (A18) - Bộ Công an, thực hiện theo yêu cầu của cơ quan điều tra lệnh cấm ông xuất cảnh qua các cửa khẩu trên toàn quốc.

Vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi liên quan đến nhóm quan chức thuộc Cty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI), có trụ sở tại Tokyo, vừa bị Viện Công tố nơi này truy tố ra tòa xét xử về hai tội danh: “Đưa hối lộ” và “Vi phạm luật chống cạnh tranh” theo luật pháp Nhật.

Vụ án tạo nên xì-căng-đan ở Nhật Bản và cả dư luận quốc tế, đặc biệt là ở Việt Nam, khi hình ảnh cùng danh tính ông Sỹ được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng Nhật. Mãi đến ngày 19/11/2008, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua mới ký Kết luận số 36, tạm đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

Cuối tháng 12/2008, hồ sơ về vụ án được phía Viện KSND Tối cao Việt Nam tiếp nhận từ phía Nhật gửi sang. Vụ Thực hành Quyền Công tố & Kiểm sát Điều tra Án Tham nhũng, Viện KSND Tối cao, được giao phối hợp cùng Cục CSĐT Tội phạm về tham nhũng (C37)  thụ lý vụ việc. 

Hồ sơ phía cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam được GĐ Viện Công tố Địa phương Tokyo đề nghị hợp tác điều tra liên quan PCI có sáu phần, trong đó có đến bốn phần đề nghị cho đưa hai công tố viên Nhật vào hợp tác điều tra đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

Ngày 8/12, C37 khởi tố vụ án “Nhận hối lộ và đưa hối lộ” xảy ra từ năm 2003 - 2006 tại BQLDA để điều tra.

Làm rõ hành vi khác?

* Đại lộ Đông Tây có tổng chiều 21,890km, khởi công xây dựng ngày 31/1/2005 sau gần tám năm chuẩn bị và giải phóng mặt bằng với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 9.864 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC); số còn lại 3.470 tỷ đồng từ ngân sách TPHCM. (H.Vinh)

* Đại lộ Đông Tây: Gây quan ngại

Đứng đầu danh sách 10 công trình trọng điểm có khiếm khuyến về chất lượng và quản lý mà Hội đồng nghiệm thu Nhà nước vừa báo cáo gửi Thủ tướng về công tác kiểm tra chất lượng, nghiệm thu công trình trong năm 2008 là công trình hầm Thủ Thiêm thuộc Dự án Đại lộ Đông – Tây với các tồn tại chính về chất lượng như hiện tượng lún quá mức cho phép của nền hầm hở chữ U.

Chủ đầu tư đang thuê tư vấn để thẩm tra phương án xử lý của nhà thầu. Bên cạnh đó, tại các đốt hầm dìm tồn tại về chất lượng đáng quan ngại nhất là hiện tượng rạn bê tông bề mặt và vết nứt xuyên các đốt hầm dìm.

Theo báo cáo, một số vết nứt vẫn phát triển cả về chiều rộng và chiều dài nhưng mức độ không lớn. Hội đồng đã yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân và giải quyết dứt điểm các tồn tại về chất lượng.  (Kông Sưởng)

Sáng 11/2, thông tin về việc ông Sỹ bị bắt lan nhanh.

Nhiều phóng viên cơ quan báo, đài trên địa bàn TPHCM và nhân dân tập trung trước cửa nhà số 350 Võ Văn Tần, quận 3, nơi ông Sỹ cư ngụ để mục kích cơ quan điều tra áp giải ông Sỹ từ trụ sở Tổng cục Cảnh sát phía Nam về nhà riêng thực hiện lệnh khám xét.

Đến 13 giờ 30 phút, chiếc xe bảy chỗ biển xanh dừng đột ngột trước ngôi nhà. Các điều tra viên nhanh chóng bước vào nhà, cửa sắt đóng ập lại.

Cả khu phố đối diện trước Đội 2 Đội Cảnh sát giao thông TPHCM náo động. Trời bỗng dưng đổ cơn mưa nhẹ. Nhà báo phơi mình cùng máy ảnh dưới mưa để chờ cảnh cơ quan điều tra kết thúc cuộc khám xét.

Cũng thời điểm, một chiếc xe biển xanh khác đến đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, để khám xét nhà đối với ông Lê Quả - nguyên Phó GĐ BQLDA.

Cả ông Sỹ và ông Quả đều bị Viện KSND Tối cao phê chuẩn về khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn  tháng về tội “Lợi dụng quyền hạn trong thi hành công vụ”, theo điều 281, Bộ luật Hình sự. 

Theo nguồn tin của Tiền Phong, ông Sỹ và ông Quả sẽ được cơ quan điều tra làm rõ hành vi cho PCI thuê một phần trụ sở của BQLDA làm văn phòng làm việc, lấy tiền  chia nhau. Bên cạnh đó, việc nhập nhằng trong đền bù giải tỏa khi thực hiện dự án cũng là điều đáng quan tâm.

Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc:

Không phải chỉ vì ODA…

Xử lý nghiêm khắc nguyên giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, nếu có sai phạm, không phải chỉ vì viện trợ phát triển (ODA) của Nhật Bản mà là vì sự nghiệp chống tham nhũng, người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cho biết.

Ngày 11/2, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc về thông tin liên quan đến thời điểm Nhật Bản sẽ nối lại ODA với Việt Nam và sự kiện ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt giam. 

Thưa Bộ trưởng, có phải thời điểm tháng 4/2009, Nhật Bản sẽ khôi phục viện trợ ODA cho Việt Nam?

Chúng ta chưa thể khẳng định là trong tháng ba hay tháng tư năm nay Nhật Bản sẽ nối lại ODA cho Việt Nam. Đó là thông tin chưa chính xác và đến thời điểm này chưa có ai xác nhận.

Bộ trưởng bình luận gì về việc ông Huỳnh Ngọc Sỹ vì liên quan đến vụ đưa hối lộ trong dự án Đại lộ Đông Tây?

Đến thời điểm này, tôi chưa có bình luận gì.

Tới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi Nhật. Đến lúc đó, mới có thể đưa ra lời bình luận.

Nếu đúng ông Huỳnh Ngọc Sỹ có sai phạm trong vụ đưa hối lộ tại dự án Đại lộ Đông Tây và bị xử lý nghiêm khắc, khả năng Nhật nối lại ODA với Việt Nam sẽ thế nào, thưa Bộ trưởng?

Nếu đúng ông Sỹ có sai phạm, chúng ta phải nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định pháp luật. Còn cụ thể việc Nhật Bản kết nối lại ODA với Việt Nam như thế nào, sẽ trình Chính phủ Nhật Bản xem xét cụ thể lại tình hình để cởi bỏ.

Ở vụ việc này, chúng ta cương quyết không phải vì ODA, mà thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, trừng trị người có sai phạm.

Cảm ơn Bộ trưởng.

Phong Cầm
Thực hiện

MỚI - NÓNG