Chấn chỉnh lạm thu: Bộ rất sốt ruột

Chấn chỉnh lạm thu: Bộ rất sốt ruột
TP - Trò chuyện với Tiền Phong trước ngày khai giảng, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT, chia sẻ những trăn trở của mình về vấn đề quản lý, kiểm soát các khoản thu trong nhà trường.

> Quá tải sĩ số và lạm thu

 ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT
ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT.

Ông Bùi Hồng Quang nói:

Để chấn chỉnh lạm thu, nếu nói về trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quản lý nhà nước thì Bộ GD&ĐT thực hiện tương đối đầy đủ.

Mỗi đầu năm học, Bộ đều ban hành các quy định, hướng dẫn việc thực hiện các khoản thu trong nhà trường. Từ tháng 9-2010 đến nay đã có khoảng 4 văn bản như thế.

Đặc biệt ngày 22-11-2011 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã ký Thông tư số 55 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong đó nêu khá chi tiết, tỉ mỉ các quy định liên quan tới việc quyên góp sự ủng hộ tiền bạc, vật chất của cha mẹ học sinh.

Tôi cho rằng, để tránh tình trạng lạm thu, các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định trong Thông tư 55 là đủ.

Thông tư nêu rất rõ quyền của cha mẹ học sinh là được từ chối ủng hộ khi được ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường đề xuất các khoản ủng hộ nếu bản thân không tự nguyện.

Thông tư cũng yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học và gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban này, đó là các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Khi quy định không tới được nơi cần đến

Theo như nhiều bài viết trên các báo đăng mới đây, nhiều hiệu trưởng trả lời việc phụ huynh trường họ phải đóng góp để mua điều hòa, máy chiếu là do ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp tự làm, trường không biết…

Học sinh trường tiểu học Kim Liên Đống Đa Hà Nội
Học sinh trường tiểu học Kim Liên Đống Đa Hà Nội.

Đến giờ mà có hiệu trưởng vẫn bảo việc thu góp là việc của phụ huynh làm với nhau, nhà trường không biết thì quả là tôi không biết phải bình luận thế nào!

Năm ngoái, sau khi có thông tư 55, Bộ lại tiếp tục có công văn gửi tất cả các UBND tỉnh/ thành phố trong cả nước đề nghị các địa phương phải triển khai kiểm tra tình hình thu góp của các trường trên địa bàn có thực hiện theo đúng nội dung quy định trong điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trong quy trình quản lý, về nguyên tắc, sau khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ thì theo các trình tự đã được phân cấp, các nội dung chỉ đạo phải được quán triệt tới từng cơ sở giáo dục, thậm chí tới từng giáo viên chủ nhiệm, từng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý nhà nước có rồi. Bộ cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra ở một vài điểm nóng. Vấn đề còn lại là trách nhiệm triển khai thực hiện của các địa phương.

Tôi nghĩ các địa phương họ cũng phải bắt tay vào để làm, họ cũng phải đi kiểm tra, chấn chỉnh chứ. Bộ làm sao về làm thay cho các địa phương được!

Bộ cũng không thể nhảy vào kỷ luật người sai phạm?

Đúng rồi. Kỷ luật cán bộ là phải theo quy trình, cấp nào bổ nhiệm cấp đó mới được quyền kỷ luật. Tôi rất buồn khi mới đây đọc bài “Trĩu nặng tiền trường” đăng trên báo Tiền Phong.

Năm nào Bộ cũng ra các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu nhưng rồi năm nào vào dịp chuẩn bị năm học mới dư luận lại rộ lên chuyện lạm thu!

Cá nhân tôi, đọc những thông tin phản ánh lạm thu trên báo chí tôi rất sốt ruột. Mà không chỉ tôi, các lãnh đạo Bộ cũng rất bức xúc.

Bộ cũng họp rất nhiều bàn về vấn đề này. Giờ khó nhất là đã có văn bản quy định rồi nhưng văn bản không được quán triệt tới trường, tới lớp, tới ban đại diện cha mẹ học sinh… Ban đại diện cha mẹ học sinh không biết những gì họ được và những gì không được làm.

Đầu năm học mới Bộ GD&ĐT sẽ ban hành một Thông tư mới quy định về tài trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục đào tạo.

Bộ cũng sẽ chỉ đạo sít xao hơn để văn bản phải được quán triệt tới tận các cơ sở giáo dục để thực hiện một cách thống nhất.

Không có chuyện người nọ nhìn người kia để “tự nguyện”

Ông vừa nhắc đến dự thảo thông tư quy định về tài trợ tự nguyện trong nhà trường, vậy nội dung của thông tư này có khác gì so với các quy định trước đây?

Dự thảo thông tư này thể hiện đầy đủ quan điểm của lãnh đạo Bộ: khuyến khích sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho nhà trường nhưng trách nhiệm quản lý, sử dụng và báo cáo kết quả thực hiện là thủ trưởng các cơ sở giáo dục chứ không phải của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nội dung dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết quy trình nhận tài trợ, trong đó nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng nhà trường. Không thể có chuyện từng lớp thu chi mà hiệu trưởng không biết cũng không thể có chuyện thu góp ở lớp mình mà cô giáo bảo đó là do ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nhà trường phải có sổ theo dõi quản lý tài sản được tài trợ, việc quản lý phải thông qua bộ phận tài vụ; phải công khai chi tiêu, kết quả thực hiện... Sẽ không còn chuyện để nhà trường khoán trắng cho ban đại diện cha mẹ học sinh.

Không được phép để cho ban đại diện cha mẹ học sinh dùng những hình thức gọi là đóng góp tài trợ tự nguyện nhưng mà không phù hợp theo kiểu cứ đưa danh sách rồi bắt phụ huynh ký, người nọ nhìn người kia để mà ký. Đó là hình thức làm mà cần phải chấn chỉnh.

Nhưng cũng phải đồng bộ các giải pháp. Chẳng hạn trong công tác bố trí ngân sách cho các cơ sở giáo dục, phải đảm bảo đạt tỉ lệ phân bổ ngân sách theo quy định của Thủ tướng là tối đa 80% chi cho lương và các khoản có tính chất lương, tối thiểu 20% cho hoạt động giáo dục.

Thật ra những nơi đã được báo chí phản ánh chủ yếu không phải do ngân sách thiếu thốn. Có thể chúng ta thiếu những chế tài đủ mạnh. Phải làm thế nào để cho vấn đề lạm thu đe dọa cái ghế của hiệu trưởng thì may ra mới giải quyết được chăng?

Việc này thì các Sở GD&ĐT có thể tham mưu cho UBND tỉnh/ thành phố chỉ đạo các quận/ huyện/ thị xã và các ngành có liên quan phải quán triệt và hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định của nhà nước về các khoản thu chi trong trường học, đồng thời chủ động kiểm tra chấn chỉnh xử lý những sai phạm theo thẩm quyền về trách nhiệm quản lý giáo dục.

Kiên quyết xử lý kỷ luật những trường hợp cố tình vi phạm các quy định của nhà nước về thu chi trong cơ sở giáo dục.

Theo ông từ năm nay Bộ nên tiến hành thanh tra ở những trường mà báo chí đã phản ánh, chuyển kết quả thanh tra cho các địa phương đề nghị họ xử lý, đồng thời thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông về các kết quả thanh tra?

Có lẽ cần phải làm như vậy. Chúng tôi sẽ kiến nghị với lãnh đạo Bộ chỉ đạo thanh tra điểm và đặc biệt lưu ý kiểm tra những nơi đã được báo chí phát hiện.

Bộ cũng cần có ngay văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý kỷ luật nghiêm các trường mà báo chí thời gian qua đã nêu đích danh (nếu có vi phạm) đồng thời báo cáo Bộ kết quả kiểm tra.

Nhưng Bộ cũng cần đặt yêu cầu cao về chất lượng thanh tra- kiểm tra. Nếu các cơ quan chức năng đi kiểm tra nhưng khi kết luận chỉ căn cứ vào báo cáo một chiều của trường, ngược lại với phản ánh của dư luận xã hội thì sao? Nên chăng cần có cơ chế sử dụng các nguồn thông tin mà báo chí cung cấp làm bằng chứng, nếu thanh tra kết luận mâu thuẫn với các bằng chứng đó thì có thể đánh giá năng lực nghiệp vụ của thanh tra? Cần phải có ràng buộc trách nhiệm, không thể nói tôi đã thanh tra là xong rồi muốn kết luận như thế nào cũng được.

Đúng rồi. Tôi trao đổi với các anh bên Thanh tra Bộ thì được biết tinh thần năm nay Bộ sẽ yêu cầu làm nghiêm trong công tác thanh tra – kiểm tra các khoản thu chi trong nhà trường.

Không có chuyện ngồi đút chân gầm bàn nghe báo cáo của trường mà sẽ căn cứ vào nhiều nguồn thông tin, gặp cha mẹ học sinh… Khi phát hiện sai phạm là chỉ đích danh và yêu cầu xử lý.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.