Khu chăn ngựa trên núi Phật Chỉ
Núi Phật Chỉ nằm trọn trong dãy núi Cha, núi Mẹ, trên biên giới Việt- Trung, thuộc xã Mẫu Sơn, Lộc Bình, Lạng Sơn. Đây là vùng đất thiêng của người Dao với những cánh rừng thâm u, ngọn núi tai mèo dựng đứng, ít ai đến được. Men theo con đường độc đạo, chúng tôi đi xuyên qua khu rừng nguyên sinh.
Già Đặng Tăng phúc, 76 tuổi, trú tại thôn Bản Tẳng, giới thiệu: Đây là vị trí đắc địa, dãy núi khổng lồ được tạo hóa khéo chia thành hai khu, một phần là rừng nguyên sinh ngút ngàn; bên kia là đồng cỏ rộng gần một hecta. Theo già Phúc, người Dao thường dắt con cháu đã đến tuổi trưởng thành lên đây để răn dạy về triết lý trời - đất, âm - dương.
Người Dao Mẫu Sơn thường không tự ý mang trâu, bò đi ngang qua đồng cỏ Phật Chỉ, bởi sẽ lăn ra bất đắc kỳ tử. Nhiều người dân mắc bệnh trọng, thường lên núi Phật Chỉ hái cây cỏ về sắc uống, khỏi bệnh.
Dấu tích linh địa . |
Gò đất cao vút, thoáng rộng. Những khóm hương đỏ được thắp bên gò đất lập lòe. Hằng năm người Dao lên núi thắp hương cúng tế, cầu mong cho đàn gia súc khỏe mạnh, phát triển. Ai muốn chăn thả gia súc ở bãi cỏ trên núi Phật Chỉ, khi đi qua phải đặt vào đó một viên đá với hàm ý xin phép, làm như vậy, trâu bò chăn thả ở đây mới được an toàn. Lâu dần, gò đất cao, lớn, phủ đầy những phiến đá trông rất lạ kỳ.
Đứng trên đỉnh núi cao chừng 1.000, nhìn xuống, quốc lộ 4B như một nét phấn trắng ngoằn ngoèo kéo dài mãi đến đường chân trời. Ngọn tháp truyền hình bé như một cây măng nhú ra trong mây.
Già Phúc dẫn chúng tôi đến những vạt cỏ nơi có những cây thuốc quý như: nấm linh chi, kim tuyến. Người dân hai bản Khuổi Cấp, Khuổi Tẳng (xã Mẫu Sơn), lập miếu thờ Sơn Ngạn (thần núi), mở ngày hội cúng, lễ vào mùa xuân hàng năm.
Bia mộ cổ. |
Linh địa cổ
Sau khi nhấm một ngọn lá trên gò đất, thắp một nén nhang, hít một hơi thật dài, chúng tôi cắt đường sang khu Linh địa cổ, mất chừng hơn hai tiếng đi bộ. Trời đã sang chiều, se lạnh.
Khu linh địa cổ nằm ở độ cao 1.190 mét. Tỉnh Lạng Sơn đã khai quật vào tháng 4-2003, ngoài dấu tích ngôi chùa cổ, còn tồn tại một quần thể di tích cự thạch- linh địa có niên đại hơn 1.000 năm. Anh Nguyễn Hải Đăng- Trưởng ban quản lý khu du lịch Mẫu Sơn, người đồng hành với chúng tôi, cho biết: Khu linh địa rộng hàng chục nghìn mét vuông, rất có giá trị.
Lễ cúng thần núi. |
Chủ nhân trước đây là nền văn hóa người Tày cổ, qua khảo sát ở Lặp Pịa (xã Mẫu Sơn), hàng năm, vào dịp tết, đồng bào Dao vẫn hành hương lên khu linh địa để cúng, lễ. Trong lời khấn, họ bày tỏ sự biết ơn thổ địa, thần tài người Tày. Còn dưới chân núi Mẫu Sơn, người Dao đỏ vẫn tiếp thu khá trọn vẹn tinh thần văn hóa linh địa cổ, bằng chứng là những ngôi mộ có bia đá dạng những phiến đá lớn được đẽo gọt, khắc tên người đã khuất (bằng chữ Nôm Dao).
Già bản Đặng Tăng Phúc nói: “Sử sách chép lại, trước đây, nơi này có ngôi đền thờ vị thần trấn giữ núi Mẫu Sơn tên là Lê Hùng Trân, có hiệu phong là: Đức tôn thần công tịnh Quang mậu, Hùng trấn đại vương, thượng đẳng phúc thần. Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi đền và những dấu tích xưa chỉ còn những hoang tích chìm trong mây mù, khí núi... Kiến trúc mộ đá, đền thờ bằng đá, chia cắt thành ba phần: Nền sân để bước lên nơi thờ tự, đường đi với năm bậc đá được kè vững chắc, nơi chính điện.
Mẫu Sơn hùng vĩ . |
Chốn tôn nghiêm tập trung nhiều phiến đá dầy chừng 20-30cm, được đẽo gọt tỉ mỉ, được gọi là khu lăng mộ. Già bản kể câu chuyện huyền bí: Trong chuyến đi săn, một người đàn ông Dao ở thôn Lặp Pịa, vác về nhà một phiến đá nhẵn, vuông vức từ đỉnh Mẫu Sơn để nhà làm chỗ rửa chân. Ngày hôm sau, người đàn ông kinh hãi nhìn thấy phiến đá đang rỉ máu loang đỏ nền nhà. Người ông lạnh toát, vội vã cõng phiến đá lên khu linh địa, lập đàn cầu xin thần linh tha thứ.
Chưa đến tết, rừng đào trên núi Mẫu đã bật lên những nụ hoa đỏ thắm. Chỉ tay về tứ phương, già bản Đặng Tăng Phúc hồ hởi giới thiệu: “Bên trái khu linh địa cổ là con suối trong vắt chảy dưới rừng hoa đỗ quyên, bên phải là cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn những cây vối thuốc cổ thụ, sau lưng là ngọn núi Mẹ lừng lững, phía trước mặt là khoảng không trời xanh, đồng rộng và sông Kỳ Cùng”. |
Trưởng ban quản lý khu du lịch Mẫu Sơn, Nguyễn Hải Đăng cho biết: Khu Linh địa cổ, núi Phật Chỉ, là hai trong những di tích tín ngưỡng, tôn giáo độc đáo ở xứ Lạng. Không chỉ là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ, mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người dân Lạng Sơn. Chính vì vậy, các cấp, các ngành đã vào cuộc, tìm hướng bảo tồn, xây dựng thành điểm du lịch cấp quốc gia.
Ngày 1-12, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc họp, nghe báo cáo tình hình công tác quản lý, khai thác phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua, tình hình quản lý và định hướng đầu tư Khu du lịch Mẫu Sơn trong thời gian tới, kế hoạch tổ chức Hội thảo thu hút đầu tư vào Khu du lịch Mẫu Sơn.
Hạ sơn, già Phúc nhờ một thanh niên thổi kèn Pí lè gửi những tâm tình:
“Puồng sềnh nghìu goi dùn tàu lậu/ Kỉn nhụt hỉn giàng chỉu thẩu châu”
(Mây bay giãn lối đưa người đến/Mới thấy mặt trời rọi tới đây).
Xứ Lạng, ngày xuân Nhâm Thìn