Ngữ văn là môn thi duy nhất thi bằng hình thức tự luận cũng là môn luôn có những băn khoăn về chấm chặt, chấm lỏng; chấm mở - chấm đóng. Vậy, ở môn thi này, công tác chấm thi được Ban chỉ đạo thi Quốc gia lưu ý như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, thưa ông?
Để bảo đảm việc chấm đều tay giữa các giám khảo và hạn chế tối đa việc chấm lỏng hoặc chặt, chúng tôi yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, tất cả các cán bộ chấm thi thực hiện thảo luận hướng dẫn chấm trước khi tiến hành chấm bài thi; thực hiện chấm chung ít nhất 10 bài trước khi thực hiện chấm 2 vòng độc lập.
GS.TS Huỳnh Văn Chương. Ảnh: Mạnh Thắng |
Trong quá trình triển khai chấm 2 vòng độc lập, song song với việc chấm bài thi của các Tổ chấm thi, Ban chấm thi còn có Tổ chấm kiểm tra (Điều 30 Quy chế thi) thực hiện chấm ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi để kiểm soát lại chất lượng chấm giữa các giám khảo. Bên cạnh đó, lưu ý, cuối mỗi buổi chấm thi hoặc xét thấy cần thiết, Tổ trưởng Tổ chấm kiểm tra tổng hợp và báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Trưởng ban chấm thi tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan và nghiêm túc.
Các môn thi trắc nghiệm tuy các quy định, quy chế cũng như phần mềm chấm thi đã được Bộ cải thiện, nâng cấp nhưng dẫu sao vẫn phụ thuộc vào con người. Vậy, trong quy trình chấm thi trắc nghiệm, đâu là bước trọng yếu để đảm bảo kết quả thi của thí sinh an toàn, nghiêm túc, đúng thực chất và công bằng?
Quy trình chấm thi trắc nghiệm hiện nay được quy định rất rõ trong quy định của Quy chế thi (Điều 29), theo từng khâu, từng bước chặt chẽ và có sự giám sát của thanh tra. Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã cải tiến, nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm và giữ ổn định sử dụng trong các năm 2022 và 2023. Trong quy trình chấm thi, bước nào cũng quan trọng, vì vậy cán bộ tham gia chấm thi cần thực hiện nghiêm quy định, quy trình chấm thi trắc nghiệm; tuyệt đối không sáng tạo, nếu có vấn đề phát sinh cần báo ngay cho Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để được xem xét xử lí theo quy định.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện đối sánh kết quả. Giả sử xuất hiện tình huống đối sánh có bất thường ở một địa phương nào đó, Bộ GD&ĐT sẽ xử lí ra sao? Năm nay, Bộ GD&ĐT có công khai kết quả đối sánh giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập của thí sinh hay không, thưa ông?
Hiện nay, các Sở GD&ĐT đang tập trung tối đa cho công tác chấm thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy định. Việc thực hiện đối sánh kết quả thi và kết quả học tập đã được quy định tại quy chế thi. Theo đó, việc này hằng năm đều được thực hiện. Mọi tình huống phát sinh (nếu có) sẽ được Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, Bộ GD&ĐT giải quyết đúng quy trình, quy định bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế.
Sau khi công bố kết quả thi, các Sở GD&ĐT thực hiện việc công bố kết quả và đối sánh kết quả theo khoản 8 Điều 58 Quy chế thi hiện hành “công bố công khai phổ điểm các bài thi, môn thi thành phần, đối sánh điểm thi trung bình của các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tưng ứng của năm học lớp 12 của các trường trong tỉnh”; căn cứ khoản 7 Điều 60 Quy chế thi hiện hành các trường phổ thông thực hiện “đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của các học sinh của trường làm căn cứ đổi mới việc dạy và học trong nhà trường”.
Cảm ơn ông.