Tính tới hết tháng 6/2023, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 15.700 tỷ đồng, bằng 3,3% số phải thu, giảm nhẹ so với tháng trước đó. Một số địa phương có tỷ lệ chậm đóng cao, như: Hà Nội, Cà Mau, Quảng Bình, TPHCM, Lào Cai. Một số địa phương tỷ lệ chậm đóng thấp nhất cả nước là là Hà Giang, sau đó tới Sơn La, Bình Phước, Điện Biên, Hải Dương.
Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ngoài lý do khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị chưa tốt; việc triển khai xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe; quyền khởi kiện của công đoàn còn khó thực hiện…
Tình trạng chậm, nợ BHXH làm giảm niềm tin người lao động vào hệ thống an sinh xã hội này. |
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, nợ BHXH tác động đa đối tượng, ảnh hưởng đến giải quyết các quyền lợi của người lao động. Cụ thể, không thể giải quyết trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, chế độ thất nghiệp, hưu trí, hoặc trợ cấp 1 lần... Nhiều lao động khó khăn, thậm chí sau khi chết chế độ tử tuất cho thân nhân cũng không nhận được; nhiều lao động không xin được việc làm mới do không chốt được sổ BHXH ở đơn vị cũ…
Bên cạnh đó, do bị nợ BHXH, thời gian đóng của người lao động không liên tục, số năm đóng ít, sẽ dẫn tới thời gian tham gia để có lương hưu sẽ lâu hơn; ảnh hưởng chế độ thai sản khi không đủ 6 tháng đóng trước khi nghỉ sinh; ảnh hưởng quyền lợi về tham gia BHYT 5 năm liên tục; ảnh hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp…
Ngoài ra, tình trạng nợ BHXH còn gây tâm lý không tốt, giảm niềm tin người lao động vào chính sách BHXH. Chính sách BHXH, BHYT, BHTN có vài trò là “bệ đỡ” cho an sinh xã hội, nhưng tình trạng chậm, trốn đóng khiến vai trò này bị “lung lay”, nhiều người lao động lúc khó khăn, gặp rủi ro trong công việc và sức khoẻ không nhận được sự hỗ trợ đáng ra họ phải có.