Chậm giải quyết vụ Thủ Thiêm, lãnh đạo TPHCM xin lỗi cử tri

Phó Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang (phải) tiếp xúc cử tri chiều 20/11
Phó Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang (phải) tiếp xúc cử tri chiều 20/11
TP - Chiều 20/11, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, 3, 4 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM - đơn vị 1, trả lời về xử lý sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, đại biểu Trần Lưu Quang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM đã xin lỗi cử tri vì giải quyết quá chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Long Phú (phường Đa Kao, quận 1) nói hầu hết cử tri hài lòng về phiên trả lời chất vấn kỳ họp vừa qua bởi nội dung chất vấn phong phú và là những vấn đề cử tri quan tâm như phát triển thủy điện tràn lan, nạn phá rừng… Tuy nhiên, ông Phú cũng phê phán chất lượng chất vấn của một số đại biểu. Có người còn mượn nghị trường để ca ngợi bộ trưởng, không đặt câu hỏi chất vấn.

Đặc biệt, cử tri này băn khoăn vì phiên chất vấn có mặt Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí nhưng không đại biểu nào chất vấn về vụ án Bưu điện Cầu Voi liên quan đến số phận tử tù Hồ Duy Hải. Theo ông Nguyễn Long Phú, vụ án này đã kéo dài hơn 12 năm, qua 3 cấp xét xử và có nhiều dấu hiệu bất thường, vi phạm tố tụng…

“Vụ Thủ Thiêm cũng nghiêm trọng không kém. Thanh tra Chính phủ đã kết luận, Số tiền sai phạm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Một số cán bộ cấp cao của TPHCM bị kỷ luật. Đến nay, bức xúc của người dân Thủ Thiêm chưa được xử lý đến nơi, đến chốn nhưng cũng không thấy đại biểu nào chất vấn. Xin hỏi các đại biểu chống tham nhũng không có “vùng cấm”, vậy chất vấn của Quốc hội có “vùng né” hay không?”, cử tri Phú băn khoăn.

Cử tri Lê Minh Số (quận 1) thắc mắc: Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, vì sao không tổ chức tổng kết hoạt động của cả nhiệm kỳ? 

Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) lưu ý Đề án tổ chức Chính quyền đô thị đã được Quốc hội thông qua nhưng người dân chưa hết băn khoăn bởi nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết trước khi sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức mà cụ thể là phải giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm (quận 2).

Ông Trần Lưu Quang cho biết Thành ủy TPHCM đã có nghị quyết chuyên đề và đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM ban hành kế hoạch cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm. Theo đó, UBND TPHCM phải giải quyết dứt điểm chính sách bồi thường bổ sung cho 329 hộ dân bị giải tỏa ở khu 4,3 ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An, quận 2).

Ngoài ra, UBND TPHCM sẽ phối hợp Thanh tra Chính phủ đối thoại với người dân có nhà đất bị giải tỏa thuộc 5 khu phố, 3 phường để xác định trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch dự án khu đô thị Thủ Thiêm để tiến tới kết thúc việc giải quyết khiếu kiện, tiến hành kêu gọi đầu tư thực hiện dự án này.

Theo ông Trần Lưu Quang, giải quyết vụ Thủ Thiêm và sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị sẽ được thực hiện song song và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Dự kiến vào trung tuần tháng 12/2020, Quốc hội sẽ xem xét việc thành lập TP Thủ Đức.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.