Chấm dứt việc thí điểm mô hình hợp nhất 3 văn phòng ở địa phương

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
TPO - Nghị quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội chính thức chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Lập lại văn phòng Đoàn đại biểu QH trước tháng 7/2021

Chiều 19/6, với đa số đại biểu tán thành Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, Luật chính chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14 /10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với những Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội đã được thành lập tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 1 /7 /2021.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận nhiều ý kiến đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm hợp nhất. Một số ý kiến đề nghị kết thúc thí điểm và giữ mô hình 3 Văn phòng giúp việc như hiện hành.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, kết quả thực hiện thí điểm và theo đề nghị của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho kết thúc việc thực hiện thí điểm tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh.

Chưa bổ sung quy định mỗi năm họp 4 kỳ

Liên quan đến ý kiến đề nghị quy định Quốc hội một năm họp 4 kỳ và bổ sung quy định về hình thức họp trực tuyến và địa điểm họp Quốc hội cho phù hợp với tình hình thực tế vừa qua, ông Tùng cho biết, theo quy định tại Điều 83 của Hiến pháp thì Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng kỳ họp, UBTVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội có những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức kỳ họp.

Liên quan đến các đề nghị giảm cơ cấu ĐBQH kiêm nhiệm trong các cơ quan hành pháp, tư pháp và bổ sung chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, Uỷ ban Thường vụ tiếp thu, ghi nhận để có định hướng phù hợp trong Đề án bầu cử ĐBQH sắp tới.

Về tỷ lệ đại biểu chuyên trách, ông Tùng cho biết việc tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách.  Từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, ông Tùng cho biết, Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương. 

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.