'Chấm điểm' quan chức rất khó

'Chấm điểm' quan chức rất khó
TP - “Chấm điểm các quan chức khó hơn chấm văn rất nhiều” - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời phỏng vấn Tiền Phong về việc lần đầu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

> Chưa có thông tin về 'chạy' phiếu tín nhiệm
> Bộ trưởng mời cơm tôi sẵn sàng nhận lời

Đừng để bị tác động

Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, theo ông, mục đích chính của việc này là gì? Quốc hội và ĐBQH phải làm gì để đạt mục tiêu đó?

Mục đích chính là để thúc đẩy các quan chức cao cấp phấn đấu hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Để đạt được mục đích này, tất nhiên, các vị ĐBQH phải đánh giá làm sao cho khách quan, trung thực và công bằng.

Nhiều ĐBQH lo ngại việc lấy phiếu sẽ rơi vào hình thức, tức là giống như một thủ tục rồi đâu lại vào đó. Thậm chí, ĐBQH không có đủ thông tin, gặp nhiều khó khăn khi “cho điểm”, cho nên kết quả khó chính xác.

“Văn hay nhờ tay thầy chấm”. Đã chấm điểm thì bao giờ cũng tồn tại không ít thì nhiều yếu tố chủ quan. Vấn đề là yếu tố này hình thành do cách nhìn nhận, do tác động của truyền thông, của công luận hay còn do tác động của cái gì khác. Còn chuyện có rơi vào hình thức hay không, thì lại phụ thuộc vào việc các ĐBQH có đủ sự tinh tường và quyết đoán đến đâu.

Thực ra, “chấm điểm” các quan chức khó hơn chấm văn rất nhiều. Lý do là vì rất nhiều phẩm chất của các quan chức là những thứ định tính, chứ không phải định lượng. Không được trang bị các công cụ để đo đếm thì không thể đo đếm chính xác. Ngoài ra, nhiều chính sách, đặc biệt là những chính sách ở tầm chiến lược, thì phải có thời gian mới phát huy hiệu quả và mới đánh giá đầy đủ được. Đó là chưa kể đến việc, trong cơ chế của chúng ta, quy trình ban hành quyết định là rất phức tạp và dường như không bao giờ do một cá nhân phải chịu trách nhiệm cả.

“Lobby” không phải để mua phiếu

Nguyễn Sĩ Dũng
Nguyễn Sĩ Dũng.
 

Trước kỳ lấy phiếu tín nhiệm, dường như có những vị trưởng ngành tỏ ra e dè trong phát ngôn, có biểu hiện “vo tròn” để tồn tại, trong khi đất nước đang khó khăn cần người dám nghĩ dám làm. Nhưng nếu đột phá họ sẽ bị phán xét, thậm chí có thể mất điểm trước cuộc lấy phiếu này?

Tôi nghĩ điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Bạn sẽ hành xử như thế nào nếu bạn bị đặt vào tình huống tương tự? Vấn đề là các quan chức hoàn toàn không thể đoán trước được là các ĐBQH sẽ phản ứng thế nào với các phát ngôn của họ. Câu châm ngôn “Im lặng là vàng” có vẻ như đúng cho hầu hết các trường hợp, thì càng đúng cho trường hợp này.

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, rất tiếc, không phải là công cụ thúc đẩy sự đột phá, sự xé rào. Địa vị pháp lý độc lập và an toàn mới là điều thúc đẩy!

Bên cạnh đó lại có những cuộc đua để “lobby”, như “mời cơm” ĐBQH, khiến nhân dân băn khoăn liệu kết quả bỏ phiếu có khách quan, thực chất?

 “Lobby” phải được hiểu là tìm cách để cung cấp thông tin, cung cấp sự lý giải cho các ĐBQH, chứ không phải tìm cách để mua phiếu”. 

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Mời là một chuyện, nhận lời hay không lại là chuyện khác. Theo tôi hiểu, “lobby” đang bị hiểu sai ở nước ta. Nếu chúng ta không có thảo luận, tranh luận (mà ở đó người được đưa ra bỏ phiếu có quyền giải trình và tự bảo vệ mình) trước khi bỏ phiếu như ở các nước khác trên thế giới, thì bạn có cách gì để lý giải các chính sách, các hành động của mình với các ĐBQH? Chỉ còn là “lobby” thôi có đúng không? Tất nhiên, “lobby” phải được hiểu là tìm cách để cung cấp thông tin, cung cấp sự lý giải cho các ĐBQH, chứ không phải tìm cách để mua phiếu.

Có ý kiến cho rằng nên coi việc lấy phiếu lần này như một thí điểm. Sau này, chúng ta sẽ hoàn thiện quy trình và chỉ tiến hành một bước là bỏ phiếu thôi?

Tôi ủng hộ ý kiến này một nửa. Sau này chúng ta nên nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết tổ chức quyền lực nhà nước và thiết kế công việc này cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Cảm ơn ông.

Điều 10-NQ35/2012/QH 13 quy định: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐBHĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số ĐBQH, ĐBHĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm...”.

 

Nguyễn Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG