Chọn nạc, bỏ xương
Chung cư cũ C7 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) Cty CP tư vấn, đầu tư và phát triển nhà Hà Nội- Handic làm chủ đầu tư. Đây là chung cư nguy hiểm đầu tiên của khu Giảng Võ được phá dỡ xây mới với phương thức xã hội hóa nhà ở nhằm giảm áp lực về vốn cho ngân sách nhà nước khi thực hiện đầu tư xây dựng lại chung cư cũ. Sau nhiều năm triển khai, (khởi công 23/5/2009 dự kiến bàn giao cuối 2013) tòa nhà mới mọc lên nhìn bề ngoài khá khang trang đẹp đẽ. Tuy nhiên, người dân vẫn trong tình cảnh dài cổ chờ ngày dọn về ở bởi tòa nhà vẫn ngổn ngang vật liệu và nhiều hạng mục còn dang dở.
Tòa nhà C7 Giảng Võ: người dân vẫn phải đi thuê nhà ở và hằng ngày đi qua ngắm nhà mình. Ảnh: Như Ý.
Cũng trong tình trạng như C7, công trình tòa A1, A2 Nguyễn Công Trứ do Cty CP Đầu tư xây dựng và phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico7) làm chủ đầu tư từng dự kiến bàn giao vào ngày 10/10 vừa qua sau 6 năm triển khai, tuy nhiên đến nay vẫn loay hoay chờ thủ tục. Hỏi chuyện thì ông Trần Mạnh Dũng, Giám đốc Handico 7 chỉ nói: “Trong năm nay cố gắng bàn giao nhà cho người dân. Hiện, công trình đang hoàn thiện điện nước và chờ chứng nhận phòng cháy chữa cháy”.
Dự án cải tạo tập thể Nguyễn Công Trứ được giao cho Handico 7 từ cuối năm 2002. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chuẩn bị hoàn thành 2 khối nhà trên tổng số 10 công trình. Dù là dự án xã hội hóa với mục tiêu hạn chế thấp nhất sự hỗ trợ từ ngân sách, thế nhưng, dự kiến nguồn thu mà đơn vị này đưa ra lại chỉ có 5.345 tỷ đồng. Theo tính toán của Handico 7 số tiền lỗ được cơ cấu theo 3 đợt thực hiện dự án ở mức khoảng 2.197 tỷ đồng. Với con số lỗ này Handico 7 “mặc cả” đòi thành phố trả cho doanh nghiệp từ nguồn đã thu tiền sử dụng đất, kể cả lợi nhuận từ các dự án thành phố giao và sẽ giao. Và điều ngạc nhiên theo thông tin mà phóng viên có được là chính một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận: “Sẽ giao dự án khác cho Handico 7 để doanh nghiệp bù lỗ”.
Dân có quyền chọn chủ đầu tư
Việc chủ đầu tư chậm tiến độ, than báo lỗ là hiện tượng diễn ra tại nhiều dự án chung cư cũ đang triển khai. Cụ thể: Dự án 97 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) Cty CP BĐS Dầu Khí Petrowaco làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến khởi công từ tháng 9/2010 nhưng đến nay dự án mới được tái khởi động lại khi được liên kết với Tổng Cty Vinaconex.
Về nguyên nhân, từ chính ông Vũ Quý Hà, Chủ tịch Tổng Cty Vinaconex tiết lộ: “Dự án không có vốn triển khai, Vinaconex ứng vốn tham gia thi công. Nếu công ty không có tiền trả, công ty có thể trả bằng những phần căn hộ thương mại trong dự án. Tuy nhiên mức giá phải phù hợp chúng tôi mới chấp nhận chứ không ai ôm một đống để thành hàng tồn kho”. Đồng thời ông Hà cho biết thêm, hiện có doanh nghiệp muốn tham gia cải tạo chung cư cũ nhưng đều có doanh nghiệp “xí chỗ”: “Ông muốn làm thì không được làm, ông không có năng lực lại được làm”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển Nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Nghị định cải tạo chung cư cũ vừa được ban hành với nhiều điểm mới. Trên cơ sở đó, Sở đưa ra phương án cải tạo cho thành phố. Về nguyên tắc phải tôn trọng chủ sở hữu. Sau đó, chủ sở hữu đề xuất chủ đầu tư. “Việc dân lựa chọn chủ đầu tư sẽ hạn chế tình trạng những doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ như thời gian qua. Kể cả những doanh nghiệp đã được thành phố giao vẫn có thể rút lại nếu người dân lựa chọn được chủ đầu tư trước khi triển khai dự án”, ông Đạm nói.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ kiến nghị thành phố giao cho Tổng Hội đứng ra tư vấn cải tạo chung cư cũ một số khu như: Giảng Võ, Thành Công. Không thể để doanh nghiệp chỉ muốn cải tạo khu ở mặt đường để kiếm lợi nhuận còn khu ở bên trong thì nhếch nhác, xuống cấp mãi không được cải tạo. Nếu cứ diễn ra như hiện nay, việc cải tạo chung cư cũ sẽ bế tắc”.